Vừa qua, trước khi bước vào bước ngoặt quan trọng - lựa chọn chuyên ngành, sinh viên Khóa 2020 đã được lắng nghe những chia sẻ về bức tranh tổng quan ngành Công nghệ thông tin hiện nay, nhận được những lời khuyên hữu ích từ chuyên gia để có sự lựa chọn chuyên ngành phù hợp với bản thân và học cách để phát triển bản thân trở thành một kỹ sư giỏi tại hội thảo “Tư vấn chuyên ngành Công nghệ thông tin và Định hướng nghề IT”.
Nghề IT và những lối đi hấp dẫn: Lắng nghe chuyên gia để có lựa chọn phù hợp
Mang thông tin giá trị đến sinh viên tại hội thảo là các chuyên gia đến từ Liên minh Công nghệ số Việt Nam (VNITO), Viện Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn Thông tin Bộ Thông tin Truyền thông, Công ty FPT Software, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương,...
Tại đây, các diễn giả đã chia sẻ những thông tin mới nhất và định hướng phát triển của 05 chuyên ngành của Công nghệ thông tin gồm: Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, An ninh mạng, Mạng máy tính - Truyền thông, Trí tuệ nhân tạo. Đó cũng chính là những lĩnh vực nghề nghiệp đang "khát" nhân lực trong thời gian gần đây.
Với vốn hiểu biết uyên bác và bề dày kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoài - Viện trưởng Viện trí tuệ Nhân tạo Việt Nam cho biết, trong 10 năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo đã có những bước phát triển nhanh chóng. Cuộc đua về trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu và các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển kéo theo nhu nhân lực trong lĩnh vực này là rất lớn, mở ra cơ hội cho các bạn trẻ yêu công nghệ.
Nói về công nghệ phần mềm, ThS. Nguyễn Thanh Phước - Chuyên gia, Nhà quản lý lĩnh vực Phát triển phần mềm cũng khẳng định, ngành nghề này đang cần nguồn nhân lực rất lớn để đáp ứng sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp công nghệ thông tin mà doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cùng với đó, chuyên gia có những lời khuyên cho các bạn sinh viên về cách nâng cao kỹ năng và tìm kiếm việc làm đối với một kỹ sư công nghệ phần mềm trong thị trường lao động hiện nay.
Cùng với đó, nhu cầu nhân lực và định hướng phát triển nghề nghiệp của các chuyên ngành An ninh mạng, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính - Truyền thông cũng được chia sẻ đến sinh viên. Tùy vào đam mê, năng khiếu và định hướng của bản thân, dựa trên những chia sẻ của các diễn giả, mỗi bạn sẽ có căn cứ xác đáng để đưa ra những lựa chọn phù hợp cho mình.
Luôn cập nhật nguồn tri thức mới: bí quyết trở thành một kỹ sư giỏi
Làm cách nào để trở thành một kỹ sư giỏi có lẽ là điều mà hầu hết sinh viên kỹ thuật quan tâm. Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoài cho biết: “Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực phát triển rất nhanh chóng, các kỹ thuật mới, các công nghệ mới ra đời gần như hàng tuần, theo đó, đòi hỏi mức độ cập nhật rất lớn”.
Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo nói riêng và các lĩnh vực thuộc công nghệ thông tin nói chung luôn có sự phát triển nhanh chóng. Vì thế, việc cập nhật những thông tin mới và học tập không ngừng là điều kiện tiên quyết để trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin giỏi, tâm huyết với nghề.
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, các vị trí công việc thuộc ngành Công nghệ thông tin trong thời gian gần đây luôn trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc không có sự đào thải trong công việc đối với kỹ sư lĩnh vực này. Vì thế, cập nhật tri thức, kỹ năng, công nghệ mới và học tập không ngừng để bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại là chìa khóa để gắn bó lâu dài và có thành công vượt trội với ngành Công nghệ thông tin.
Năm 2023, HUTECH xét tuyển ngành Công nghệ thông tin theo 04 phương thức:
• Xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT 2023;
• Xét điểm thi ĐGNL 2023 của ĐHQG TP.HCM;
• Xét tuyển học bạ 3 học kỳ (với điểm trung bình HK1, HK2 lớp 11 và HK1 lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên);
• Xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (với điểm trung bình cả năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên).
Các phương thức xét tuyển học bạ nhận hồ sơ đợt đầu tiên đến 31/3.