Đến với buổi tập huấn, các cộng tác viên cũng được làm quen với cách tìm ra các chỉ số và bằng chứng phục vụ công tác giám sát và đánh giá trong dự án thực hiện. Đồng thời, cách thức giám sát và đánh giá dự án cũng được thống nhất giữa cán bộ chương trình và các cộng tác viên.
Bà Bùi Bích Hà - Cán bộ Giám sát và Đánh giá, Tổ chức CARE là tập huấn viên của khóa MEL. Thông qua các hình thức thảo luận, làm việc nhóm và thuyết trình, sinh viên đã có được những góc nhìn đa chiều về nhiệm vụ cần thực hiện trong dự án và cách thức triển khai hiệu quả.
“Tôi Mạnh Mẽ” là một dự án thuộc chương trình về Nhóm dân số dễ bị tổn thương ở khu vực đô thị của CARE, nhằm nâng cao chất lượng đời sống lao động nữ trong ngành may mặc. Thông qua dự án này, các nữ công nhân nhà máy sẽ được hỗ trợ để thực hành các quyền của họ và cải thiện phúc lợi cả bên trong và bên ngoài các nhà máy.
Cách thức đánh giá qua góc nhìn của các cộng tác viên
Trọng tâm của dự án là tăng cường sự tham gia của nữ công nhân vào các nhóm “Tôi Mạnh Mẽ” được thành lập tại chính cộng đồng nơi họ đang sinh sống. Đây là một cách tiếp cận dựa vào cộng đồng nơi các nữ công nhân cùng nhau phân tích và thảo luận về những thách thức trong cuộc sống của họ, qua đó xác định những hành động có thể thực hiện ở cấp độ cá nhân cũng như tập thể để giải quyết những thách thức đó.
Là đơn vị thực hiện nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã được lựa chọn là đối tác tư vấn kỹ thuật của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam trong dự án “Tôi mạnh mẽ” từ đầu năm 2019. Trong giai đoạn 2019-2020, 6 sinh viên thuộc Sáng kiến Hỗ trợ Sinh viên (DynaGen Initiative) do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt khởi xướng trở thành cộng tác viên của dự án.