Đây là giải thưởng nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, tạo môi trường kết nối, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào sản xuất và cuộc sống do Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Giải thưởng Euréka không chỉ là thước đo chất lượng đào tạo mà còn là nguồn động viên, khuyến khích sinh viên tích cực đưa ra những ý tưởng, những giải pháp, những phát minh mới, tham gia nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo góp phần phát triển đất nước.
Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka 2018 đã thu hút 2.286 thí sinh đến từ 106 trường đại học, cao đẳng tham gia. Trong đó, đã có 952 đề tài nghiên cứu trong 12 lĩnh vực gồm: Xã hội & Nhân văn, Giáo dục, Kinh tế, Pháp lý, Kỹ thuật, Quy hoạch, Kiến trúc và Xây dựng, Công nghệ Thông tin, Công nghệ Hóa, Dược, Công nghệ Sinh-Y sinh, Nông Lâm Ngư nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, và Công nghệ Thực phẩm được gửi đến dự thi. Đây đều là những đề tài chất lượng đã vượt qua vòng tuyển chọn khắt khe ở cấp trường, được Hội đồng Khoa học các trường đánh giá cao trước khi gửi đăng ký tranh tài tại Euréka 2018.
Gửi đến Euréka 2018 đề tài “Sông biển trong dân ca xứQuảng từ góc nhìn phê bình sinh thái”, sinh viên Lê Văn Thắng của ĐH Duy Tân được đánh giá cao bởi mặc dù khảo sát trên chất liệu truyền thống là ân ca, nhưng đã có được cái nhìn hoàn toàn mới về văn hóa dựa trên lý thuyết Phê bình Sinh thái (EcoCriticism). Phê bình Sinh thái ở đây là một hướng nghiên cứu mang tính chất liên ngành, tìm về những tri thức bản địa nhằm làm rõ sự ảnh hưởng của các điều kiện sinh thái đến công cuộc mưu sinh, văn hoá và phong tục tập quán,… của người dân xứ Quảng để đưa ra những giải pháp giúp con người sống hài hòa với môi trường tự nhiên trong thời đại mà biến đổi khí hậu đang là một vấn đề bức thiết toàn cầu.
Trong suốt 3 năm nghiên cứu, Văn Thắng đã được TS. Trần Thị Ánh Nguyệt - giảng viên Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Duy Tân hướng dẫn hỗ trợ rất nhiều trong nghiên cứu và phát triển đề tài. Đồng thời, Văn Thắng cũng được nghệ sĩ Trịnh Công Sơn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài Chòi Đà Nẵng, Trung tâm Văn hóa TP. Đà Nẵng và các chuyên gia nghiên cứu về xứ Quảng giúp đỡ trong việc khai thác và làm rõ phần giai điệu, cũng như lời thơ trong dân ca xứ Quảng. Văn Thắng cũng có lợi thế hơn khi nghiên cứu đề tài này bởi bản thân đang theo học chuyên ngành Văn hóa Du lịch của ĐH Duy Tân, được học nhiều về những kiến thức về văn hóa địa phương.
Được Hội đồng Ban Giám khảo đánh giá cao, đề tài nghiên cứu “Sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái” của sinh viên Lê Văn Thắng đã xuất sắc “cán đích” với giải Ba trong lĩnh vực Xã hội & Nhân văn tại Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 20.
Văn Thắng chia sẻ: “Hiện giờ, em đang thực sự rất vui khi được nhận được giải thưởng này. Mục tiêu ban đầu của em khi gửi đề tài dự thi là mong muốn được giao lưu học hỏi và tìm hiểu các hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực Khoa học Xã hội & Nhân văn. Do đó, khi biết đề tài của mình nằm trong top 14 đề tài thuộc lĩnh vực Xã hội & Nhân văn được lựa chọn tham dự vòng Chung kết, em thực sự rất vui. Tuy nhiên, lúc đó em cũng khá lo lắng khi các đề tài tham dự vòng Chung kết đều đến từ các trường đại học uy tín như: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH An ninh Nhân dân, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng,... Và may mắn đã đến với em khi ĐH Duy Tân vượt qua rất nhiều đối thủ ‘nặng ký’ khác để giành giải Ba toàn quốc.
Trong tương lai, em sẽ tiếp tục nghiên cứu về dân ca xứ Quảng. Em được biết mới đây nhất, vào tháng 12/ 2017, Bài Chòi đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của thế giới, nên việc bảo tồn và phát huy những tinh hoa của dân ca xứ Quảng là điều vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, Du lịch đang trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của Đà Nẵng nói riêng và cả miền Trung Việt Nam nói chung. Do đó, để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách bốn phương thì cần quan tâm đến yếu tố văn hóa bản địa, trong đó có các hình thức diễn xướng dân ca để khách du lịch có được những trải nghiệm văn hóa lý thú. Bản thân em cho rằng, khi mà âm nhạc hiện đại với Pop, Rock, Soul,...đã trở nên thịnh hành trong giới trẻ thì âm nhạc truyền thống lại có nguy cơ mai một, em hi vọng thông qua đề tài có thể truyền tải thông điệp đến những người trẻ rằng hãy luôn hiểu, yêu và giữ gìn các di sản văn hóa âm nhạc cổ truyền bởi trong đó chứa đựng các giá trị văn hóa và tinh thần của người Việt, thực sự quý giá cho các thế hệ sau”.
Trước đó, Văn Thắng cũng đã có nhiều nghiên cứu được lựa chọn tham dự các hội nghị và đăng tải tại các tạp chí uy tín gồm:
- Đề tài “Ý thức sinh thái miền sông biển trong dân ca xứ Quảng” tham dự Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ V,
- Đề tài “Cảm hứng miền sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái” đăng trong Tạp chí Văn hóa Dân gian,
- Đề tài “Đi tìm điệu buồn của câu hát dân ca miền sông biển xứ Quảng” đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế 2017 Nghiên cứu và Giảng dạy Việt Nam học, và
- Đề tài “Du lịch sinh thái miền sông biển trong dân ca xứ Quảng” trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ Nhất Phát triển du lịch bền vững ở miền Trung Việt Nam và ASEAN.
Các bạn có thể xem thêm thông tin về đào tạo chuyên ngành Văn hóa Du lịch của ĐH Duy Tân tại đây: Khoa Khoa học Xã hội &Nhân văn