Những chỉ số báo động
Khảo sát được tiến hành trực tuyến từ ngày 18-25/10 với sinh viên đang theo học tại ĐH Quốc gia TPHCM, gồm 6 nội dung: việc giảng dạy và đánh giá sinh viên trực tuyến; tâm thần và sức khỏe của sinh viên trong giai đoạn COVID-19; COVID-19 và quan điểm của sinh viên về nghề nghiệp; COVID-19 và tài chính cá nhân, gia đình; ý kiến về các chính sách hỗ trợ người học; thông tin cá nhân.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, có 37.150 sinh viên tham gia khảo sát. Kết quả cho thấy, trong các áp lực tâm lý mà sinh viên phải chịu đựng, học trực tuyến được ghi nhận cao nhất (65,1%). Ngoài ra, sinh viên còn lo về khả năng đóng học phí (58,9%); có mâu thuẫn với gia đình trong vấn đề thấu hiểu hay làm việc quá sức…
“Mở cửa trường giai đoạn này có nhiều khó khăn không chỉ liên quan đến dịch COVID-19 mà là thời gian học kỳ I không còn nhiều, sinh viên trở lại trường xong lại sắp xếp về nghỉ Tết”.
PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Trưởng nhóm nghiên cứu
Khảo sát đã ghi nhận sự thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập, sinh hoạt là vấn đề mà đa số sinh viên mắc phải (chiếm trên 56%), bên cạnh mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Đáng chú ý, 48% sinh viên được khảo sát nói cảm thấy mình có nhiều thiếu sót, tự ti và mơ hồ về mục đích sống của bản thân trong thời gian dịch bệnh. Ngoài ra, cũng xảy ra các vấn đề như mất nhận thức thoáng qua, có những hành vi vô thức, hay quên… Cũng có sự thay đổi tính tình, trở nên cáu gắt, buồn rầu, lo lắng không rõ lý do. Vấn đề ngại tiếp xúc với người khác (kể cả người thân) cũng tồn tại trong một bộ phận không nhỏ sinh viên được khảo sát. Từ số liệu thu được, cuộc khảo sát đã cho thấy rối loạn giấc ngủ, thiếu định hướng trong học tập và cuộc sống là vấn đề phổ biến ở một bộ phận sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM trong thời gian dịch bệnh.
“Những biện pháp hỗ trợ, các hoạt động giao lưu và các hoạt động tương tác là cần thiết, đặc biệt trong thời gian sinh viên học trực tuyến”, bà Hoài nhận định. Ngoài ra, sinh viên nữ, sinh viên gặp khó khăn về tài chính hoặc có cha mẹ mất vì COVID-19 là những đối tượng cần được trợ giúp nhất về mặt tâm thần. Từ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các biện pháp giúp tăng cường sức khỏe tinh thần cho sinh viên. Đó là cần khai thác tốt dịch vụ chăm sóc đời sống tâm thần cho sinh viên. Đồng thời, cần triển khai nhanh, trên diện rộng những chính sách hỗ trợ tài chính, gia hạn và tặng học bổng nhằm tạo điều kiện cho sinh viên gặp khó khăn vì dịch bệnh có thể yên tâm học tập.
Nhóm nghiên cứu mong muốn có các chương trình giao lưu trực tuyến để sinh viên tương tác và trò chuyện cùng mọi người; mở các chương trình học thuật giúp học tập, rèn luyện kỹ năng mềm như tập thể dục, nấu ăn, chơi nhạc cụ… để giúp sinh viên hòa nhập, giảm thiểu tác động xấu về tâm thần do COVID-19 và giãn cách gây ra. Nhóm cho rằng, cần tuyên truyền rộng rãi, khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động cộng đồng để khắc phục và giảm thiểu các hậu quả tâm thần.
Nên mở cửa trường
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho rằng, nên hướng tới các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến của sinh viên trong giai đoạn COVID-19. Có một tỉ lệ nhỏ nhưng đáng lưu tâm về sinh viên phản ánh bị ngược đãi, bạo lực, quấy rối bằng cơ thể hoặc ngôn ngữ (4,4%). Đáng ngạc nhiên là có tỉ lệ nhỉnh hơn sinh viên nam so với sinh viên nữ bị ngược đãi (4,9% và 3,9%); cảm thấy bị phân biệt đối xử về các vấn đề liên quan đến giới tính (6,0% và 5,8%).
Áp lực học trực tuyến xuất hiện nhiều từ năm đầu đến năm 3 và giảm dần ở những năm về sau, trong khi vấn đề ngại tiếp xúc với người khác gia tăng đều theo năm học của sinh viên từ năm 1 tới năm 6. Thực tế có đến gần 57% sinh viên được khảo sát cho biết thiếu tập trung hoặc không có hứng thú trong học tập thể hiện việc tổ chức giảng dạy trong giai đoạn COVID-19 còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, nhiều sinh viên không hài lòng với chất lượng bài giảng trực tuyến, tuy đánh giá áp lực học trực tuyến không khác biệt với các nhóm khác nhưng lại chịu các áp lực khác cao hơn và cũng là nhóm thường gặp vấn đề sức khỏe tâm thần hơn các nhóm khác…
PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, nếu dựa vào kết quả này thì nên mở cửa trường để cho sinh viên đi học. Tuy nhiên, việc mở cửa lại trường còn liên quan mật thiết đến quy định phòng chống dịch hiện nay như tỷ lệ sinh viên tiêm vắc xin, sắp xếp nơi ở cho sinh viên…