Cuối năm 2016, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng ông đã yêu cầu hãng Boeing ra giá cho mẫu tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet bởi dự án tiêm kích tàng hình F-35 của Lockheed Martin có chi phí quá đắt đỏ.
Trong bài viết trên National Interest, chuyên gia quốc phòng Dave Majumdar đã đưa ra những đánh giá tương quan giữa hai loại chiến đấu cơ này để xem xét tính khả thi trong đề xuất của Trump.
Khả năng tàng hình
Đây là yếu tố mà tiêm kích F/A-18E/F không thể so bì với F-35. Công nghệ tàng hình là một phần quan trọng của thiết kế F-35 ngay từ đầu. Tuy nhiên, hãng Boeing đã thử nghiệm phiên bản Super Hornet với tiết diện radar (RCS) giảm đáng kể, đặc biệt là phần mũi.
Công ty này cũng thử nghiệm thùng nhiên liệu phụ giúp F/A-18E/F mang thêm 1.587 kg nhiên liệu và khoang vũ khí tàng hình chứa 1.133 kg vũ khí. Điều này giúp loại bỏ các chi tiết cồng kềnh bên ngoài, giảm đáng kể RCS của Super Hornet, nhưng nó không bao giờ được coi là máy bay tàng hình thực thụ như F-35.
Tác chiến điện tử
Nga và Trung Quốc đang phát triển các radar tần số thấp có thể phát hiện và theo dõi tiêm kích tàng hình Mỹ. Điều này khiến tác chiến điện tử ngày càng quan trọng trong hỗ trợ máy bay tàng hình khi loại radar này trở nên phổ biến.
Trên thực tế, F-35 có tính năng tấn công điện tử đáng gờm. Nó được trang bị radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) AN/APG-81, có khả năng đóng vai trò là ăng ten hỗ trợ điện tử bước sóng hẹp (high-gain) và thiết bị gây nhiễu uy lực. Nhưng AN/APG-81 bị giới hạn hoạt động trên dải tần X.
Trong khi đó, Super Hornet và biến thể tác chiến điện tử EA-18G Growler cũng được trang bị radar AESA AN/APG-79 với tính năng tương tự radar AN/APG-81. Tuy nhiên, hải quân Mỹ chưa khai thác hết tiềm năng của AN/APG-79. Họ cho biết sẽ tiếp tục phát triển tiềm năng tác chiến điện tử của radar này trong những năm tới.
Một ưu điểm khác của F-35 so với F/A-18E/F là hệ thống AN/ASQ-239, tích hợp một loạt ăng ten vào thân máy bay để cung cấp bức tranh chiến trường chi tiết cho phi công. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa thực sự hoàn thiện và đang được tiếp tục phát triển.
F-35 sở hữu nhiều hệ thống điện tử hiện đại. Ảnh: Wikipedia.
Hải quân Mỹ đang bổ sung các gói đối kháng điện tử phòng thủ kết hợp (IDECM) cho tiêm kích F/A-18E/F, giúp nó tăng cường đáng kể uy lực tác chiến điện tử. Boeing có thể dễ dàng trang bị các tổ hợp điện tử hiện đại hơn cho khung máy bay F/A-18E/F như ALQ-239, hoặc biến thể của Hệ thống Cảnh báo chủ động/thụ động cho tiêm kích F-15 Eagle (EPAWSS) sắp ra mắt. Cả hai hệ thống đều có radar cảnh báo tích hợp, định vị địa lý, nhận thức tình huống chiến trường và nhiều tính năng tự bảo vệ, tương đương với hệ thống AN/ASQ-239 của F-35.
Ngoài ra, biến thể Super Hornet tối tân có thể được trang bị hệ thống cảnh báo, hỗ trợ và tình báo điện tử ALQ-218 của EA-18G Growler. Đây là công cụ thu thập tình báo điện tử uy lực hơn hệ thống AN/ASQ-239, giúp sĩ quan tác chiến điện tử trên EA-18G phân tích tín hiệu chưa xác định và gây nhiễu, ngay cả khi mối đe dọa không có trong kho dữ liệu về mối đe dọa của máy bay. Đó là việc mà phi công trên F-35 không thể thực hiện. Tuy nhiên, hệ thống ALQ-218 là trang bị quá mức cần thiết với một tiêm kích không chuyên về tác chiến điện tử.
Các thiết bị cảm biến
Super Hornet không có hệ thống chỉ thị mục tiêu quang điện tử kết hợp (EOTS) như F-35, nhưng nó có thể mang theo nhiều thiết bị cảm biến tối tân. Việc mang theo pod chỉ thị mục tiêu là một ưu điểm, bởi hệ thống EOTS đã trở thành công nghệ lỗi thời.
Chương trình F-35 sẽ phải khắc phục các vấn đề công nghệ trong cấu hình Block IV vào đầu thập niên 2020. Nhưng tiến trình nâng cấp hệ thống đơn lẻ trên F-35 sẽ phức tạp hơn nhiều so với nền tảng thế hệ 4 của F/A-18E/F, khi pod chỉ thị mục tiêu dễ dàng được thay thế nhờ tải phần mềm thích hợp.
Do không gặp trở ngại trong việc phá vỡ thiết kế tàng hình, các máy bay như F/A-18E/F có thể nâng cấp, lắp thiết bị cảm biến mới dễ dàng hơn nhiều so với F-35.
Dù vậy, F-35 nắm giữ ưu thế vượt trội khi hoàn thành quá trình phát triển. Tiêm kích này có thể so sánh mọi dữ liệu từ thiết bị cảm biến khác nhau và các mạng dữ liệu, sau đó hiển thị thông tin trên một màn hình hiển thị mạch lạc và dễ hiểu nhất.
Hiện nay mới chỉ tiêm kích F-22 và F-35 có khả năng này. Tuy nhiên, hải quân Mỹ cũng đang nghiên cứu bổ sung hệ thống "cảm biến dung hợp" tương tự cho chiến đấu cơ Super Hornet. Quá trình phát triển được thực hiện theo ba giai đoạn, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm từ dự án F-22 và F-35.
Liên kết dữ liệu
Một trong những ưu điểm của thiết kế thế hệ 4 là nhà thiết kế không phải lo lắng về việc để lộ vị trí của máy bay. Tiêm kích F-35 được trang bị gói liên kết dữ liệu (datalink) đa hướng Link-16 trong môi trường an toàn, cùng hệ thống datalink tối tân (MAD) có khả năng chống chặn thu tín hiệu trong điều kiện nguy hiểm.
Vấn đề là không hệ thống nào đủ khả năng truyền tải hết thông tin do các cảm biến của F-35 cung cấp, việc này khiến hải quân Mỹ đau đầu. Hải quân đang đầu tư vào Công nghệ kết nối mạng chỉ thị mục tiêu chiến thuật lưu lượng cao (TTNT) cho tiêm kích EA-18G Growler. Hệ thống này giúp nó dễ dàng kết nối với các tiêm kích Super Hornet, đặc biệt khi Mạng lưới Kiểm soát hỏa lực phòng không kết hợp (NIF-CA) đi vào vận hành.
Dù F/A-18E/F chưa bao giờ là một máy bay tàng hình, nó có thể là giải pháp tiết kiệm được 80% chi phí mua sắm của hải quân Mỹ. Khi phát huy được hết tiềm năng, chúng có thể thực hiện được hầu hết các nhiệm vụ của biến thể F-35C, ngoại trừ tấn công phủ đầu, nhiệm vụ buộc Super Hornet phải dựa vào các vũ khí tầm xa.
Không quân Mỹ cũng sẽ không hài lòng, nhưng vẫn phải chấp nhận tiếp nhận F/A-18E/F. Trong khi đó, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Super Hornet không có biến thể cất hạ cánh thẳng đứng trên đường băng ngắn dành cho tàu đổ bộ.
"Động cơ của ông Trump nhiều khả năng là nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh giữa hai ông lớn Boeing và Lockheed Martin, từ đó tìm cách giảm bớt chi phí. Đây có lẽ không phải là một đề xuất nghiêm túc", Majumdar nhận định.