Trước khi tiêu chuẩn về camera giám sát trên xe ô tô được ban hành, việc lựa chọn loại camera đáp ứng pháp lý và chất lượng vô cùng khó, khi hầu như chủ xe phải tự đánh giá và đưa ra lựa chọn. Trong khi trên thị trường có nhiều nhà cung cấp, với những lời “quảng cáo” như camera đảm bảo chất lượng, phù hợp Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Gỡ khó cho doanh nghiệp, ngày 4/11/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ GTVT, Bộ Công an ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia về camera giám sát hành trình (TCVN13396).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường chào mời gắn camera giám sát trên xe đang diễn ra sôi động. Thị trường xuất hiện nhiều loại camera, có hiện tượng hàng kém chất lượng, với mọi mức giá, kèm khuyến mại. Một số nhà xe, do không tìm hiểu kỹ đã mua nhầm những thiết bị trôi nổi bên ngoài về tự lắp, khó đảm bảo kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước.
Để tránh “tiền mất - tật mang”, các chủ xe cần chọn cho loại thiết bị hợp chuẩn đã được ban hành, đã được kiểm định về pháp lý và chất lượng, dù giá có cao hơn thiết bị không đạt chuẩn.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, phụ trách công nghệ thông tin, Công ty tiếp vận Hòa Phát cho hay, công ty có gần 100 xe container đã lắp thiết bị theo Tiêu chuẩn TCVN13396. Có hai tiêu chí của sản phẩm để công ty lựa chọn là đạt Tiêu chuẩn và giá thành.
“Giá thành chung sản phẩm camera trên thị trường được các đơn vị cung cấp thiết bị đưa ra khoảng 5 triệu đồng/bộ. Trên thị trường hiện có một số sản phẩm không đạt Tiêu chuẩn hay giá thành thấp khoảng hơn 2 triệu đồng/bộ, nhưng khó đáp ứng theo quy định. Doanh nghiệp đã bỏ ra số tiền lớn để lắp đặt thì không nên lắp các thiết bị có giá thành rẻ, không đạt chuẩn”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khuyến cáo, các chủ xe nên sử dụng camera giám sát hợp chuẩn, bởi được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, chứng nhận rõ ràng, đáp ứng đầy đủ pháp lý.
Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, khi kiểm tra điều kiện kinh doanh ô tô, nếu camera giám sát không hợp chuẩn lực lượng chức năng phải đối chiếu các quy định để kiểm tra, cấp phép. Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải nên sử dụng các thiết bị Hợp chuẩn TCVN13396.
“Tiêu chuẩn đã được ban hành, các doanh nghiệp vận tải nên chọn thiết bị của các nhà cung cấp đủ điều kiện. Tuy nhiên, Bộ GTVT nên công bố các nhà cung cấp thiết bị camera giám sát đạt tiêu chuẩn, để dễ dàng cho doanh nghiệp vận tải lựa chọn lắp đặt. Tránh doanh nghiệp lắp thiết bị không đạt phải lắp lại gây lãng phí”, ông Tuyển nói.
Ông Dương Văn Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho rằng, các doanh nghiệp vận tải nên chọn sản phẩm camera đã được chứng nhận đạt chuẩn theo Tiêu chuẩn mới để tránh bị lực lượng chức năng xử phạt vì thiết bị không theo quy định và lãng phí cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, trước đây lắp thiết bị giám sát hành trình không đạt chuẩn đã cho nhiều bài học “xương máu”. Sau đó, khi nhà nước yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình phải đạt chuẩn, rất nhiều doanh nghiệp phải bỏ thiết bị cũ lắp mới, tốn kém gấp đôi.
“Các hiệp hội vận tải cũng vừa có văn bản khuyến cáo doanh nghiệp, hội viên về lắp camera giám sát cần lưu ý thiết bị phải đạt Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN13396, để tránh phải thay đổi thiết bị, lắp đặt lại rất tốn kém và lãng phí”, ông Liên khuyến cáo.
Đủ cơ sở pháp lý, tránh lãng phí
Thiết bị giám sát phù hợp theo Tiêu chuẩn TCVN13396, trước hết là một thiết bị giám sát hành trình (GSHT) công nghệ 4G, tích hợp mắt thu camera.
Bàn về công nghệ này, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chi hội GSHT chia sẻ, lắp camera theo Nghị định 10 đang có 2 xu hướng là rời và tích hợp. Xu hướng rời phải sử dụng 2 thiết bị trên xe, gồm 1 thiết bị camera và 1 thiết bị GSHT, dùng 2 SIM để kết nối, nên không tốt cho thiết bị trữ điện của xe và tốn thêm chi phí duy trì. Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cắt sóng 2G, đơn vị vận tải lại phải một lần nữa mất phí nâng cấp thiết bị GSHT lên 4G
"TCVN13396 theo xu hướng tích hợp giữa camera Nghị định 10 với thiết bị GSHT, các doanh nghiệp chỉ cần 1 thiết bị duy nhất trên xe. Nhờ vậy, khắc phục được các nhược điểm trên, dữ liệu đồng nhất”, ông Giang khẳng định.
Đồng quan điểm, theo ông Bùi Danh Liên, tích hợp thiết bị giám sát mang lại nhiều lợi ích lâu dài. Nếu lắp rời 2 thiết bị thì lái xe phải 2 lần quẹt thẻ khá phiền hà, chẳng may chỉ quẹt một lần có thể dẫn tới thông tin lái xe giữa thiết bị GSHT và camera khác nhau, có thể bị “phạt oan”.
“Việc chỉ dùng 1 thiết bị GSHT và camera kết hợp sẽ kéo dài tuổi thọ ắc quy của xe, tới thay đổi nền tảng công nghệ dữ liệu các chủ phương tiện không mất thêm chi phí nâng cấp hạ tầng. Riêng chi phí nâng cấp hạ tầng mạng đã tiết kiệm được vài triệu đồng mỗi xe”, ông Liên nói.
Cũng theo chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, hiện có tình trạng nhiều doanh nghiệp vận tải lắp thiết bị không đúng theo chuẩn nhà nước đã ban hành. Thiết bị GSHT đang sử dụng mạng 2G, nhưng thời gian tới viễn thông sẽ nâng cấp lên 4G và cắt sóng 2G. Do đó, khi lắp thiết bị giám sát không đạt chuẩn, chỉ thời gian ngắn tới có thể phải mất thêm chi phí để nâng cấp, gây tốn kém, nhất là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.
Để được cấp chứng nhận theo Tiêu chuẩn, thiết bị phải được cơ quan chức năng kiểm duyệt phù hợp với Nghị định 10, Thông tư 12, Thông tư 02 và các văn bản pháp luật khác. Bên cạnh đó, trước sự cạnh tranh khốc liệt, các nhà cung cấp đã cải tiến công nghệ như tích hợp, dùng 1 mắt camera góc rộng thay cho việc phải dùng tới 3 mắt. Bởi thế, giá bộ thiết bị từ khoảng 10-12 triệu/xe thì nay giá thiết bị Hợp chuẩn chỉ khoảng 4-6 triệu/xe.