Siết chặt điều kiện kinh doanh vàng nữ trang

Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng hệ thống tiêu chuẩn riêng về đo lường và chất lượng vàng nữ trang, đồng thời ra điều kiện nghiêm ngặt cho đơn vị kinh doanh mặt hàng này.

Siết chặt điều kiện kinh doanh vàng nữ trang

ACB lãi hơn 10 tỷ đồng nhờ kinh doanh vàng và ngoại hối
> Tỷ giá kỳ vọng kiếm lời?
> Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng lớn ngoại tệ

Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng hệ thống tiêu chuẩn riêng về đo lường và chất lượng vàng nữ trang, đồng thời ra điều kiện nghiêm ngặt cho đơn vị kinh doanh mặt hàng này.

Chỉ số ít các doanh nghiệp lớn, kinh doanh bài bản hiện nay đáp ứng các yêu cầu về kiểm định và đo lường theo Thông tư 22. Ảnh: Anh Quân.
 

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo đó, vàng trang sức mỹ nghệ được quy định là vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Nếu hàm lượng vàng lớn hơn 999 phần nghìn (tính theo khối lượng), sản phẩm đó được coi là vàng tinh khiết. Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng, với 17 hạng dao động từ 8 Kara (độ tinh khiết không nhỏ hơn 33,3%) đến 24 Kara (99,9%).

Thông tư 22 cũng quy định chi tiết tiêu chuẩn đối với sản phẩm nữ trang vàng có sử dụng thêm các kim loại khác trong quá trình gia công, chế tác. Chẳng hạn nếu sử dụng vật liệu bằng hợp kim vàng để hàn, vật liệu này phải đảm bảo độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức. Hoặc, vàng trang sức, mỹ nghệ có nhiều hơn một bộ phận chính (ngoại trừ vật liệu hàn và các bộ phận phụ như: chốt, ốc vít… nếu có) là hợp kim vàng với giá trị phân hạng khác nhau, sẽ được phân hạng theo thành phần có phân hạng thấp nhất.

Thông tư 22 cho phép vàng trang sức, mỹ nghệ sử dụng kim loại nền bằng hợp kim khác với hợp kim vàng để tăng cường độ bền cơ lý mà hợp kim vàng không đáp ứng được. Tuy nhiên, kim loại nền phải được xử lý bề mặt sao cho không gây nhầm lẫn về ngoại quan với thành phần là hợp kim vàng. Việc sử dụng kim loại nền khác với hợp kim vàng phải được nêu rõ trong công bố về thành phần của sản phẩm.

Sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ nếu có sử dụng vật liệu phủ bằng kim loại (khác với vàng) hay phi kim loại với mục đích trang trí, lớp phủ phải đủ mỏng để không ảnh hưởng đến khối lượng của vật phẩm. Nếu khối lượng lớp phủ lớn hơn sai số lớn nhất cho phép về khối lượng theo quy định tại Bảng 2 Điều 4 Thông tư này thì phải được nêu cụ thể trong công bố về thành phần và chất lượng của sản phẩm.

Nếu có sử dụng vật liệu nhồi hoặc làm đầy chỗ trống, vàng trang sức, mỹ nghệ phải được công bố cụ thể và công bố rõ sản phẩm không được làm toàn bộ từ hợp kim vàng. Tất cả các thành phần của vàng trang sức, mỹ nghệ (bao gồm cả kim loại nền, vật liệu phủ, vật liệu hàn, vật liệu gắn kết…) không được chứa các thành phần độc hại hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng vượt quá ngưỡng cho phép theo các quy định hiện hành có liên quan.

Vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định. Tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các nội dung cơ bản như thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối, yêu cầu kỹ thuật và phải ghi ký hiệu để phân biệt từng loại vàng trang sức, mỹ nghệ.

Thông tư 22 cũng quy định các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng phải thực hiện các biện pháp kiểm soát về đo lường, trang bị cân có phạm vi đo và cấp chính xác phù hợp với khối lượng vàng cần đo. Cân phải được kiểm định, có chứng chỉ kiểm định còn thời hạn giá trị sử dụng. Tổ chức, cá nhân sử dụng cân phải tự kiểm tra cân định kỳ và phải mở sổ ghi chép, lưu sổ tại địa điểm thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân nêu trên còn được yêu cầu phải trang bị bộ quả cân để sử dụng kèm theo với cân nhằm xác định khối lượng vàng trong mua, bán và phục vụ cho việc kiểm tra định kỳ độ chính xác của cân. Bộ quả cân trang bị phải có khối lượng và cấp chính xác phù hợp với cân được sử dụng, được kiểm định, chứng chỉ kiểm định phải còn thời hạn giá trị.

Chi cục Tiêu chuẩn các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn địa phương và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan. Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên địa bàn.

Có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, Thông tư 22 được kỳ vọng thiết lập lại trật tự trong thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ vốn bị thả nổi lâu nay, người tiêu dùng khó phân biệt chất lượng, hàm lượng sản phẩm và khi mua phải hàng kém chất lượng rất khó được bảo vệ quyền lợi. Là bước đi tiếp theo trong lộ trình quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ, việc ban hành và thực thi thông tư này có thể thanh lọc các điểm kinh doanh không đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kiểm định và đo lường sản phẩm, cũng như không tuân thủ nghiêm túc quy định về công bố chất lượng, hàm lượng.

Theo Kỳ Duyên
Vnexpress

Theo Đăng lại