Sẽ xếp hạng ngân hàng nhưng không công khai kết quả

TPO - Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có trách nhiệm công bố kết quả xếp loại chính thức đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý chỉ gửi kết quả này đến từng tổ chức chứ không công khai trên website ngành vì "tính chất nhạy cảm".
Ngân hàng Nhà nước sẽ xếp hạng các tổ chức tín dụng nhưng không công khai

Ngân hàng Nhà nước vừa lấy ý kiến cho Dự thảo thông tư về việc xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, việc xếp hạng sẽ được áp dụng cho các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Các tiêu chí làm căn cứ để xếp hạng gồm: đánh giá vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường... 

Có 5 mức xếp hạng bao gồm: Hạng A (Tốt), Hạng B (Khá), Hạng C (Trung bình), Hạng D (Yếu) hoặc Hạng E (Yếu Kém) căn cứ vào mức điểm xếp hạng đạt được. Trong dự thảo Thông tư Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng không quy định việc Ngân hàng Nhà nước phải công bố việc xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên Website. NHNN sẽ chỉ thông báo kết quả xếp hạng cho từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trả lời Tiền Phong lý do không công khai kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng, một đại diện cơ quan soạn thảo đã cho biết do tính chất “nhạy cảm” của việc công bố và chất lượng của việc xếp loại cũng chưa được bảo đảm chính xác, chủ yếu dựa vào kết quả tự xếp loại do các ngân hàng thương mại cổ phần báo cáo.

Cơ quan soạn thảo cũng cho biết qua nghiên cứu và tham khảo các tổ chức quốc tế (WB, JICA), hiện chưa có quốc gia nào mà cơ quan quản lý công bố kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng và việc công bố kết quả nêu trên có tính nhạy cảm cao.

Ngày 15/9, trao đổi với Tiền phong, một đại diện cơ quan Thanh tra của NHNN cho biết: Hiện cũng có ý kiến thắc mắc, nhưng cần hiểu đúng, việc xếp hạng tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Ngân hàng nhà nước nhằm thực hiện quản lý, trong khi của các tổ chức nước ngoài mang tính đánh giá.

“Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ quản nên khi xếp hạng có những tiêu chí riêng, chúng tôi sẽ biết tổ chức tín dụng đó mạnh yếu thế nào, thực hiện tốt chưa tốt điều gì để nhắc nhở họ làm đúng quy định; chứ không phải như xếp hạng tín nhiệm của một số hãng nước ngoài hay công ty trong nước đang làm”, vị này chia sẻ.

10 ngân hàng được Vn Report xếp hạng năm 2017 

Về xếp hạng tín dụng, hiện, có ba hãng định mức tín nhiệm nổi tiếng nhất (Big 3) trên thế giới gồm Standard & Poor’s, Moody’s Investor Service và Fitch Ratings.  

Mới đây nhất, vào tháng 4/2017, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service đã đưa ra báo cáo khẳng định giữ nguyên mức xếp hạng của 8 ngân hàng Việt Nam, đồng thời nâng triển vọng xếp hạng tiền gửi nội tệ và phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ của các định chế này từ ổn định lên tích cực. 8 ngân hàng trong danh sách là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, An Bình Bank, ACB, MB, VIB và Techcombank. Hiện chỉ BIDV có mức xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) ở mức Caa1, còn mức xếp hạng BCA của 7 ngân hàng còn lại đều ở mức B2.

Cũng vào thời gian này, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã bậc xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của 5 ngân hàng Việt Nam.  Cụ thể, Fitch Ratings xếp hạng Agribank, VietinBank, Vietcombank, ở mức B+. Còn Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) được tổ chức này đánh giá ở hạng B. Bên cạnh đó, tổ chức này còn đánh giá triển vọng của tất cả 5 ngân hàng khá ổn định.

Mới hơn vào tháng 7/2017, CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cũng  công bố Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2017. Đây là hoạt động thường niên của Vietnam Report, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới tài chính – ngân hàng kể từ năm đầu tiên công bố 2012. Những cái tên được nhắc đến trong Top 10 này có như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, Techcombank, Agribank, MB, Maritime Bank...