Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân:

Sẽ không thành công nếu chỉ thu hút nhân tài bằng ​thu nhập

TP - Báo Tiền Phong vừa có loạt bài về những tài năng vươn mình ra thế giới. Vậy làm sao thu hút được những tài năng này quay về cống hiến cho đất nước? Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam (nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), người dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng chính sách trọng dụng nhân tài khoa học và công nghệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt 100 trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài sáng 19/8. Ảnh: Quang Hiếu

Thưa ông, ông đánh giá như nào về đội ngũ nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài?

 
Nhìn chung nhà khoa học người Việt ở nước ngoài là những người rất giỏi. Nói về toán học, chúng ta có Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn là những người xuất sắc được thế giới ghi nhận. Về Vật lý có GS Đàm Thanh Sơn mới đây được giải Dirac. Nhiều người nói với tôi, với trình độ của GS Đàm Thanh Sơn, ông xứng đáng là người Việt Nam đầu tiên được đề cử giải Nobel Vật lý. Ngoài ra, còn rất nhiều nhà khoa học thành danh khác. 

Cách đây vài năm, khi chúng tôi sang Silicon Valley (Hoa Kỳ), đến bất cứ công ty nào như Microsoft, Facebook, Google, chúng tôi đều gặp nhà khoa học Việt Nam, họ được đánh giá rất cao. Tôi khá ngạc nhiên khi tình cờ gặp 3 nhà khoa học là con của 3 đồng nghiệp dạy cùng tôi ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang làm việc ở đây. Khi tôi trao đổi, nhiều nhà khoa học mong muốn được đóng góp cho đất nước bằng những cách khác nhau, có người mong muốn được về nước, có người mong muốn được đóng góp từ xa.

Theo ông trước mắt cần làm thế nào để thu hút được nguồn lực các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài đóng góp cho đất nước?

 
Nhà khoa học Việt ở nước ngoài không nhất thiết phải về nước khi trong nước chưa đủ điều kiện cần thiết, họ vẫn có thể tham gia các dự án khoa học trong nước. Họ có thể nghiên cứu theo các đặt hàng của doanh nghiệp hoặc cơ quan trong nước. Chúng ta có thể thông qua cơ quan đại diện khoa học công nghệ Việt Nam ở nước ngoài, hiện đã có mặt ở 12 quốc gia, 21 địa bàn. Đồng thời có thể sử dụng ngân sách để hình thành các dự án nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài, kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước để hình thành đề tài nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ nước ngoài về Việt Nam hoặc mời nhà khoa học Việt Nam sang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. 

Chúng ta đang rất thiếu nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, nhất là các tổng công trình sư chủ trì các dự án lớn. Vì thế, một vấn đề quan trọng là làm sao để người Việt Nam được cử đi đào tạo có thể trở thành những nhân sự chủ chốt trong hệ thống khoa học công nghệ của nước ngoài. Khi nào trình độ phát triển trong nước đạt đến mức độ nhất định và xuất hiện nhu cầu thì mời gọi họ về, giao chủ trì các dự án khoa học công nghệ lớn của đất nước. Hiện các dự án lớn chúng ta thường phải thuê người nước ngoài làm tổng công trình sư.

“Tôi thấy một số địa phương quan niệm đơn giản, họ “trải thảm đỏ” đón các nhà khoa học bằng việc trả lương cao hơn một tý, cho miếng đất làm nhà, coi như đó là đãi ngộ. Thực ra giới khoa học không chỉ quan tâm đến điều đó. Nhiều nhà khoa học về nước không được giao việc, không có môi trường học thuật thuận lợi thì họ lại phải ra đi”.

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Thế về lâu dài chúng ta cần làm gì để thu hút các nhà khoa học người Việt đóng góp cho đất nước, thưa ông?

 
Cách đây hơn 5 năm, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 có một số điều khoản nói đến việc này và được cụ thể hóa trong Nghị định 40 của Chính phủ về sử dụng, trọng dụng nhân tài khoa học công nghệ. Mới đây, Việt Nam đã tổ chức mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có mời 100 nhà khoa học xuất sắc về nước. Tôi nghĩ việc kết nối các nhà khoa học về để họ tìm hiểu tình hình hoạt động khoa học công nghệ trong nước là rất tốt.Tuy nhiên, phải thừa nhận việc huy động nguồn lực từ các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài cho sự phát triển khoa học công nghệ trong nước còn ở mức khiêm tốn. Để làm tốt việc thu hút các nhà khoa học, cần quan tâm đến 4 việc. 

Một là, Nhà nước và doanh nghiệp phải dành một nguồn đầu tư thích đáng cho phát triển công nghệ, nguồn đầu tư ấy để xây dựng cơ sở vật chất cho các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm xứng tầm với hoạt động khoa học công nghệ trình độ cao, đồng thời tạo thu nhập tạm đủ cho nhà khoa học yên tâm làm nghiên cứu. Người làm khoa học thường không đặt nặng tiền lương và thu nhập, lương của họ không nhất thiết phải cao bằng hoặc cao hơn khi họ ở nước ngoài nhưng phải đủ để họ tái tạo sức sản xuất, sáng tạo. 

Hai là, nhà nước và doanh nghiệp phải đặt hàng, giao nhiệm vụ cho người làm nghiên cứu vấn đề rất cụ thể. Nếu chỉ kêu gọi chung chung mà không giao việc cụ thể thì người ta mất phương hướng. Nếu để nhà khoa học tự đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu cho mình thì nhiều khi không phù hợp với nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp hoặc mục tiêu của nền kinh tế. Vì thế, để đặt hàng, chúng ta cũng cần rà soát xem các nhà khoa học đang làm việc ở lĩnh vực nào, đã có sản phẩm có giá trị như thế nào, địa chỉ ứng dụng tiềm năng ở Việt Nam, và kết nối các nhà khoa học với các địa chỉ ứng dụng là doanh nghiệp và cơ sở kinh tế có nhu cầu.

Vấn đề thứ 3 là phải tạo cho các nhà khoa học một môi trường học thuật tốt, bên cạnh thiết bị nghiên cứu hiện đại thì xung quanh họ đồng nghiệp phải có trình độ tương đương để họ có thể trao đổi học thuật. Họ có thể mua tạp chí khoa học chuyên ngành, có thể đến doanh nghiệp tìm hiểu trình độ và nhu cầu đổi mới công nghệ, tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học, giao lưu với các nhà khoa học nước ngoài, hợp tác với viện nghiên cứu trong và ngoài nước, được hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu.

Vấn đề thứ tư là làm sao chính sách đưa ra có tính khả thi cao. Điều này đòi hỏi sự nghiêm túc, linh hoạt khi triển khai, tránh tình trạng chính sách có nhưng không áp dụng hoặc áp dụng mỗi nơi một khác. 

Cảm ơn ông!

TS Nguyễn Quân