Gia tăng tội phạm dùng hàng nóng:
Sẽ đưa súng tự chế vào luật
Tuy không bắn được xa, song ở cự ly gần, khả năng sát thương của súng hoa cải còn cao hơn so với súng quân dụng. Thế nhưng, chế tài xử lý lại có nhiều điểm khác biệt (chỉ xử lý hành chính, chưa đưa vào xử lý hình sự như các loại vũ khí quân dụng…). Đây có phải là một bất cập về pháp luật không, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến: Trong những năm vừa qua, việc xuất hiện loại tội phạm mà đối tượng đã dùng súng bắn đạn hoa cải làm phương tiện gây án, thanh toán lẫn nhau đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự.
Điển hình như vụ việc tháng 12-2008, băng nhóm hình sự sử dụng 3 khẩu súng hoa cải để gây án, để tranh giành hoạt động mua bán, khai thác than trái phép tại địa bàn huyện Đông Triều, Quảng Ninh, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Trong quá trình điều tra, xử lý, nếu chiếu theo các quy định của pháp luật, chúng tôi thấy còn có những tồn tại, bất cập. Cụ thể, theo Nghị định 47/CP ngày 12-8-1996 của Chính phủ quy định vũ khí gồm có vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ, song trong Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định và áp dụng chế tài xử lý hình sự với các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ.
Như vậy, trong các vụ án đối tượng tàng trữ, sử dụng súng bắn đạn hoa cải, đạn ghém, súng tự chế, súng săn gây án thì không thể xử lý được về tội danh tàng trữ, sử dụng trái phép như áp dụng với vũ khí thô sơ và vũ khí quân dụng.
Chúng ta cần làm gì để giải quyết những tồn đọng này, thưa Thiếu tướng?
Bộ Công an đang phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính để đề xuất với cơ quan lập pháp sớm ban hành văn bản pháp luật, đưa các loại hung khí nói trên vào Luật Hình sự. Trong từng giai đoạn cụ thể, việc bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của tình hình an ninh chính trị, phát triển kinh tế xã hội và nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý Nhà nước là việc làm thường xuyên của các cơ quan pháp luật.
Việc buôn bán vũ khí từ một số quốc gia giáp biên giới vào Việt Nam, bao gồm hàng lạnh (dao, kiếm) và hàng nóng (súng bắn đạn hoa cải) dường như ngày một gia tăng. Làm sao để ngăn chặn hiện tượng này, thưa ông? Tổng cục Cảnh sát đã có kế hoạch để điều tra, xử lý?
Đây là vấn đề nhức nhối trong toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến tình hình TTATXH. Công an các cấp đã tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt, như tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh ngăn chặn việc tàng trữ, mua bán vũ khí, vật liệu nổ trái phép.
Làm tốt công tác tuần tra nhân dân tạo khí thế toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm. Bên cạnh đó, tăng cường phối kết hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Hải quan... tuần tra, kiểm soát ở các địa bàn trọng điểm, các cửa khẩu, khu vực đường biên để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng buôn bán các loại vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Tiến hành mọi biện pháp ngăn ngừa, trấn áp không để các băng nhóm lưu manh côn đồ dùng hung khí đâm, chém nhau gây mất ANTT tại địa phương...
Trong thời gian tới, Tổng cục Cảnh sát PCTP sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện điều tra làm rõ các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án gây bức xúc trong dư luận, phối hợp với khối cơ quan tư pháp, Viện Kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử những vụ án điểm, kết hợp với cơ quan tuyên truyền đưa tin bài, ảnh để phòng ngừa răn đe, tạo khí thế áp đảo tội phạm.
Hiện tượng các thanh niên giải quyết mâu thuẫn cá nhân bằng bạo lực đang gia tăng, thậm chí các nữ sinh bây giờ cũng có những màn bạo lực không kém gì phái mạnh. Thiếu tướng có lý giải gì về nguyên nhân và biện pháp để hạn chế hiện tượng này?
Đây là một hiện tượng đang khiến dư luận cũng như các cơ quan chức năng hết sức lo lắng. Bản thân tôi cũng thấy rất bất ngờ khi hay tin các nam thanh, nữ tú đã chọn giải pháp bạo lực để xử lý các mâu thuẫn vụn vặt.
Qua phân tích những vụ việc, thấy phần lớn những mâu thuẫn trong giới trẻ thường dễ xảy ra ngay trong chính cuộc sống học tập, vui chơi, những ghen tuông tình ái tuổi mới lớn... và khi những mâu thuẫn, xích mích đó không được giải quyết kịp thời, sẽ dẫn đến kết cục đau lòng.
Sự bồng bột, cá tính, thích thể hiện bản thân cũng như những dấu hiệu lệch chuẩn đã len lỏi vào một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Họ không nghĩ đến những hậu quả tai hại khi đùa nghịch với dao, kiếm, khi lựa chọn hành vi bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Trước thực tế này, tôi cho rằng, những kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng sống và kỹ năng hòa nhập trong giới trẻ đang có dấu hiệu thiếu hụt khá nghiêm trọng. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt trong mối tương tác giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục các thanh, thiếu niên là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ bạo lực học đường đau lòng trong thời gian qua.