Cụ thể, tại tuyến Rạch Mồng Gà - từ cầu Thầy Cai đến Kênh 6 Mét đi qua địa bàn 2 xã Phước Lâm và Thuận Thành, huyện Cần Giuộc có 13 điểm bị lở, với tổng chiều dài là 331m và có các biểu hiện mặt bờ kênh bị nứt, sạt lở, lún sâu...; trong đó, có điểm sạt dài 25m làm tắc đường giao thông chính của nhân dân trong khu vực.
Nguyên nhân ban đầu xác định do tình hình nắng nóng, hạn mặn kéo dài, mực nước trên rạch rất thấp (-1,47m), địa chất khu vực yếu. Trong những ngày qua có những cơn mưa to, kéo dài, nước thấm vào đất gây đứt gãy các liên kết, kết dính giữa các hạt đất nên làm sạt lở, nứt mặt bờ kênh.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ, người dân xã Phước Lâm cho biết, cách đây vài ngày, sau cơn mưa lớn, đoạn đường đê trước cửa nhà ông bắt đầu bị sạt lở kéo dài khoảng 60 - 70m, trong đó, khoảng 10m bị đứt cả đoạn. Ngoài ra, đường đê còn có những vết nứt 2 - 3cm khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Ông mong muốn lực lượng chức năng quan tâm, sớm khắc phục để giao thông thuận lợi.
Ông Huỳnh Thanh Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lâm cho hay, lãnh đạo xã cùng UBND huyện Cần Giuộc đã kiến nghị UBND tỉnh sớm gia cố lại đường để cho phục vụ cho bà con trong sản xuất, không gây khó khăn trong việc đi lại của học sinh và các phương tiện tham gia giao thông, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Tại khu vực khác trong tỉnh, tuyến đê bao sông Vàm Cỏ Tây Tây thuộc ấp 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, bị sạt lở có chiều dài 460m, lấn sâu từ mép bờ sông vào nhà dân khoảng 10m; làm hỏng sân bê tông, lún 2 nền nhà; ước tính thiệt hại ban đầu hơn 200 triệu đồng.
Theo UBND huyện Thủ Thừa, nguyên nhân do đoạn đê nằm trong đoạn sông cong, lõm và có lượng tàu, thuyền, sà lan tải trọng lớn lưu thông qua lại nhiều, kết hợp với dòng nước chảy xiết làm cho đất dưới mái sông bị xói mòn cuốn trôi, tạo thành hố sâu, hở hàm ếch. Đồng thời, mùa khô hạn 2023 - 2024 kéo dài làm cho đất bờ sông, đê bao khô cằn mất độ kết dính. Bên cạnh đó, hiện nay bắt đầu vào mùa mưa với lượng mưa rất lớn làm rửa trôi, xói mòn đê, gây sạt lở nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng nguy cơ xảy ra sạt lở nếu không được xử lý kịp thời.
Trước thực trạng trên, các ngành chức năng Long An đang triển khai căng dây, làm rào chắn đoạn sạt lở, gắn biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm. Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An thực hiện điều tiết vận hành cống đầu mối Mồng Gà phù hợp, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến tình hình sạt lở. Xử lý cấp bách đoạn sạt lở nghiêm trọng dài 25m, khôi phục lại đường đi, tại vị trí sạt lở gần cầu Thầy Cai, tạo điều kiện cho người dân, học sinh lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản do khu vực chuyên trồng rau, hoa màu.
Đối với tuyến đê bao sông Vàm Cỏ Tây Tây, trước mắt, UBND huyện Thủ Thừa đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiến cứu nạn huyện phối hợp UBND xã Mỹ Thạnh lắp các biển cảnh báo, đèn báo hiệu khu vực nguy hiểm và căng dây thông báo cấm ra vào toàn khu vực bị sạt lở và vận động các hộ dân sơ tán khỏi khu vực sạt lở; thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, theo dõi diễn biến khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn để có biện pháp ứng phó kịp thời; tuyên truyền người dân biết và chấp hành nghiêm việc cấm ra vào khu vực sạt lở.
Về lâu dài, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có biện pháp hỗ trợ kịp thời khắc phục tình trạng sạt lở tại các vị trí trên để người dân được yên tâm sinh sống và sản xuất.