Sau ca bệnh bạch hầu tử vong ở Ðắk Nông, 7 người bị cách ly

TP - Ngày21/6, cơ quan chức năng Ðắk Nông xác định ca mắc và tử vong do bạch hầu đầu tiên ở tỉnh này là một bé gái 9 tuổi. Bảy người tiếp xúc gần với bệnh nhân đang được cách ly, theo dõi.
​Ðồ họa: Trung tâm Truyền thông- Giáo dục sức khỏe Trung ương

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông (CDC Đắk Nông) xác nhận, bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu là em S.T.H (9 tuổi, trú tại xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long). Ngày 19/6, H được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở… Do bệnh không thuyên giảm, em được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để tiếp tục chữa trị. Sáng 20/6, bé gái tử vong với nguyên nhân được xác định là mắc bệnh bạch hầu ác tính biến chứng tim.

Qua rà soát, CDC Đắk Nông xác định, có 7 trường hợp ở xã Quảng Hòa tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong. Những người này đang được cách ly, theo dõi tại Trạm Y tế xã Quảng Hòa và tại nhà riêng. Sở Y tế Đắk Nông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, giám sát, theo dõi, cách ly, xác minh, điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên.

Trước đó, có 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu được phát hiện ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn (thuộc xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), trong đó có 1 ca lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Đến nay, sức khỏe những người này đã ổn định và dịch bệnh tại đây cơ bản đã được kiểm soát. Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, CDC Đắk Nông hỗ trợ y tế tuyến cơ sở tiêm 140 liều vắc-xin phòng bạch hầu-uốn ván cho những người liên quan. Các trường hợp còn lại cũng sẽ được tiêm chủng.

Ông Đặng Thành, Giám đốc CDC Đắk Nông, cho biết, lần đầu tiên kể từ khi tỉnh Đắk Nông được thành lập (năm 2004), tỉnh ghi nhận có người mắc và tử vong do bệnh bạch hầu. Những người mắc bệnh bạch hầu không được di chuyển khỏi địa phương. “Chúng tôi đã lấy một số mẫu bệnh gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm. Thời gian này, đơn vị đang tổ chức truy vết các ca tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, lấy mẫu, xử lý môi trường và khử khuẩn”, ông Thành nói.

Giám đốc CDC Đắk Nông cho biết, tại khu vực có dịch bệnh bạch hầu, phần lớn đồng bào Mông có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp. Ngành y tế tỉnh Đắk Nông tổ chức tuyên truyền, nhưng nhiều bậc phụ huynh không đồng ý cho con em đến tiêm chủng. Đây là một trong những khó khăn trong quá trình phòng bệnh.

Lây qua đường hô hấp

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Các biểu hiện lâm sàng gồm có: viêm họng, mũi, thanh quản; họng đỏ, nuốt đau; da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ; khám thấy có giả mạc (thường có màu trắng ngà hoặc xám).

Thời gian ủ bệnh thường từ 2-5 ngày, có thể lâu hơn. Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu. 

Thái An