Từ 1/1/2018, ngân sách nhà nước chính thức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, với mức 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người hộ cận nghèo, và 10% cho tất cả các đối tượng còn lại (theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn). Cùng với đó, BHXH Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia, nên chính sách này đã có chuyển biến mạnh về số người tham gia.
Cụ thể, năm 2018, cả nước mới có hơn 277 người tham gia BHXH tự nguyện, tới năm 2021, người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên 1,45 triệu người (chiếm 3,2% lực lượng lao động trong độ tuổi). Chỉ trong 4 năm, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng thêm hơn 1,24 triệu người tham gia, tương đương với mức tăng 613%.
Về số thu BHXH tự nguyện, Bộ LĐ-TB&XH dẫn báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, cuối năm 2021, số thu loại hình bảo hiểm này đạt hơn 5,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 4,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2016 (tương đương mức tăng 409%).
Bình quân mức thu nhập người dân chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện năm 2021 là khoảng 1,28 triệu đồng/người/tháng.
Về chính sách khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước (hỗ trợ 10 – 20 – 30% tuỳ theo từng nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện), thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi ngườI, nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Năm 2018, tổng ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng với người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 39 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 93 tỷ đồng, năm 2020 lên 173 tỷ đồng, năm 2021 lên 290 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 4 năm triển khai, tốc độ gia tăng bình quân người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ từ chính sách là hơn 63%/năm, tốc độ gia tăng bình quân kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hơn 94%/năm.
Trong đó, năm 2018, người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo mới có hơn 3 nghìn người, ngân sách hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, tới năm 2021 đã tăng tương ứng lên hơn 34 nghìn người, với số tiền hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng (tăng hơn 10,9 lần về số người so với năm 2018 và tăng hơn 18 lần).
Với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo, nếu năm 2018 mới có hơn 19 nghìn người tham gia, ngân sách hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng, thì tới năm 2021 đã tăng tương ứng lên hơn 44 nghìn người và tiền hỗ trợ từ ngân sách lên hơn 18 tỷ đồng (tăng 2,3 lần về số người tham gia và tăng 9,7 lần về số tiền ngân sách hỗ trợ).
Với người tham BHXH tự nguyện thuộc các nhóm khác, năm 2018 có hơn 254 nghìn người tham gia, ngân sách hỗ trợ hơn 36 tỷ đồng, tới năm 2021 đã tăng lên hơn 1,37 triệu người, với kinh phí ngân sách hỗ trợ hơn 254 tỷ đồng (tăng 5 lần về số người tham gia, và gần 7 lần về số tiền ngân sách hỗ trợ).
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, qua các con số trên cho thấy, chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách nhà nước đã đạt được những hiệu quả trong việc mở rộng BHXH tự nguyện. Chính sách này cũng đạt được mục tiêu khuyến khích một số nhóm người có thu nhập thấp tham gia BHXH tự nguyện (người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo).
Từ ngày 1/1/2022, dù tỷ lệ hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện từ ngân sách nhà nước không tăng, nhưng chuẩn nghèo của khu vực nông thôn làm cơ sở tính tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách tăng lên (từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng), nên số tiền người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng tăng lên.