Năm 1994, sau nhiều lần bà Trần Thị Cải ( trú tại thôn Hà Xá, Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình) không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình theo bản án (số17/TA-DSPT, ngày 24/4/1991), Đội Thi hành án (THA) huyện Hưng Hà đã cưỡng chế tài sản của bà Cải để phát mại.
Tài sản phát mại gồm 2 gian nhà cấp 4 nằm trên diện tích 175 m2. Sau một thời gian bán đấu giá phần tài sản phát mại, ngày 21/8/1994 ông Trần Văn Toại - Người cùng thôn với bà Cải đã mua được phần tài sản trên với giá 12 triệu đồng.
Khi mua xong, ông Toại đã dọn đồ đạc vào nhà, đồng thời xây bức tường chắn giữa nhà mình và nhà bà Cải (sau khi bị cưỡng chế, bà Cải vẫn còn một phần nhà để ở).
Tuy nhiên, khoảng một tháng sau, nhân lúc ông Toại đi vắng, bà Cải đã phá bức tường ngăn cách, quẳng hết đồ đạc của gia chủ ra đường để chiếm lại nhà. Khi trở về, ông Toại đã viết đơn khiếu nại gửi tới các cơ quan chức năng của huyện Hưng Hà.
Tuy nhiên, việc khiếu nại trên của ông Toại đã bị bỏ bẵng tới 9 năm mà chẳng có cơ quan chức năng nào của huyện Hưng Hà đứng ra giải quyết.
Ông Toại vẫn kiên trì khiếu nại. Ngày 25/4/2003, Ban Chỉ đạo THA huyện Hưng Hà đã tổ chức họp về sự việc trên và kết luận: Bản án số 17 (ngày 24/4/1991) của TAND tỉnh Thái Bình đã được Đội THA huyện Hưng Hà thi hành xong (tức đã giao tài sản cưỡng chế của bà Cải cho ông Toại); sau đó, bà Cải chiếm lại nhà là phát sinh mối quan hệ pháp luật khác không liên quan đến việc THA, nếu các ngành Công an, Viện Kiểm sát thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tiến hành khởi tố theo quy định của pháp luật.
Ngày 8/9/2003, Viện KSND huyện Hưng Hà đã có ý kiến ngược lại: “Quá trình tổ chức THA, Đội THA huyện Hưng Hà chưa làm đúng thủ tục, trình tự theo quy định của Pháp lệnh THA dân sự (không lập biên bản định giá, bán đấu giá tài sản-PV) nên đến nay ông Toại vẫn chưa nhận được tài sản mà ông bỏ ra mua của Đội THA”.
Từ sự chưa thống nhất quan điểm trên của Đội THA và Viện KSND huyện Hưng Hà, ông Toại chỉ còn biết kêu trời vì tài sản mình bỏ tiền ra mua mà khi bị chiếm đoạt lại chưa có cơ quan nào đứng ra xử lý.
Đơn khiếu nại lại được gửi đi. Ngày 19/7/2004, cơ quan THA dân sự tỉnh Thái Bình đã phải có công văn gửi Cục THA Dân sự (Bộ Tư pháp) để xin ý kiến giải quyết sự việc trên.
Ngày 1/9/2004, Cục THA Dân sự đã có công văn (số 462) trả lời với nội dung: Nếu thuyết phục, động viên bà Cải tự nguyện trả lại nhà cho ông Toại không được thì Phòng THA dân sự tỉnh Thái Bình chỉ đạo Đội THA huyện Hưng Hà tổ chức cưỡng chế.
Tại cuộc cưỡng chế ngày 23/1/2006, người nhà bà Cải đứng giữ nhà, sẵn sàng chống lại lực lượng cưỡng chế.
Sau một thời gian thuyết phục không xong, ngày 24/11/2004, Đội THA huyện Hưng Hà đã tổ chức cưỡng chế số nhà đất mà bà Cải đã chiếm đoạt để giao lại cho ông Toại.
Trước thời gian cưỡng chế trên, ngày 10/10/2002, ông Toại đã viết giấy chuyển nhượng nhà, đất mình đã mua của Đội THA huyện Hưng Hà cho người em họ là Trần Thành Long.
Sau khi THA xong, ngày 26/11/2004, ông Toại đã làm thủ tục (có sự chứng thực của UBND xã Tân Lễ) giao lại nhà, đất cho ông Long. Tiếp đó, ông Long đã làm đầy đủ thủ tục sở hữu nhà, đất mình đã mua và được UBND huyện Hưng Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số 001, ngày 4/2/2005).
Tuy nhiên vừa ở được một thời gian, nhân lúc có việc phải đi vắng (vợ con ông Long hiện vẫn sống ở tỉnh Điện Biên), ông Long lại bị bà Cải chiếm mất nhà. Ông Long lại tiếp tục hành trình khiếu nại như người anh trước kia. UBND huyện Hưng Hà lại triệu tập các cơ quan có trách nhiệm của huyện (gồm Viện KSND, CA, TAND, Đội THA...) để bàn biện pháp xử lý việc vi phạm pháp luật của bà Cải.
Và ngày 23/1/2006, UBND xã Tân Lễ với sự tham gia của Viện KSND và CA huyện Hưng Hà đã tiến hành cưỡng chế số tài sản mà bà Cải đã chiếm để giao lại cho ông Long. Trước sự việc này, gia đình bà Cải đã triệu tập thêm một nhóm người dùng dao, gạch đá chống trả quyết liệt khiến lực lượng cưỡng chế phải... rút lui.
Trao đổi với Tiền phong, ông Trần Trọng Hán - Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho biết: Trong cuộc cưỡng chế ngày 23/1/2006, trước thái độ chống đối quyết liệt của gia đình bà Cải, tôi đã đề nghị CA huyện bắt một số người chống đối pháp luật mạnh nhất nhưng lại không được chấp thuận. Chính vì vậy cuộc cưỡng chế lâm vào bế tắc.
Một vụ việc chỉ vì sự sai sót trong thủ tục THA, cộng thêm sự chống đối quyết liệt của đối tượng bị THA, lại bị bỏ lửng nhiều năm để đến giờ trở nên khó xử lý.
Ngày 29/8/2006, Ban Chỉ đạo THA Dân sự tỉnh Thái Bình đã phải có công văn số 1403 gửi Bộ Tư pháp và Viện KSND Tối cao xin ý kiến để giải quyết dứt điểm vụ việc trên. Trong lúc vụ việc chờ hướng xử lý, thì gần đây gia đình bà Cải đã tự ý xây nhà trên đất của ông Long.
Chưa biết đến bao giờ ông Long mới nhận được tài sản mình đã mua một cách hợp pháp?
Làm việc với Tiền phong, ông Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết:
- Đúng là trong quá trình THA, Đội THA huyện Hưng Hà đã có những sơ suất, và điều này cần phải được kiểm điểm, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
Tuy nhiên, nếu vì những sơ suất này mà phải làm thủ tục lại từ đầu thì mọi việc càng thêm phức tạp vì vụ việc để tồn đọng quá lâu, trong khi bản chất sự việc vẫn không thay đổi.
Chính vì vậy chúng tôi mới có văn bản (số 462) yêu cầu nếu thuyết phục bà Cải mà vẫn không chấp hành, thì Đội THA huyện Hưng Hà phải phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế, để giao tài sản cho ông Toại.
Nhưng đến nay, bà Cải vẫn tiếp tục chiếm đoạt tài sản đã được THA, vậy phải xử lý thế nào?
Cần phải tiếp tục cưỡng chế hành chính một cách quyết liệt hơn. Để làm việc này, theo tôi cấp tỉnh, hoặc chí ít cũng phải là cấp huyện thực hiện việc cưỡng chế, chứ để cấp xã (từng thực hiện cuộc cưỡng chế ngày 23/1/2006- PV) là khó thành công. Và khi lấy được nhà đất, bản thân gia đình ông Long cũng phải có biện pháp giữ tài sản của mình một cách chắc chắn hơn.
Tuy nhiên đây chỉ là ý kiến của cá nhân tôi. Còn quyết định cuối cùng để xử lý vụ việc kéo dài này, phải chờ ý kiến của Viện KSND Tối cao và Bộ Tư pháp.