Sắp xử phạt vẫn băn khoăn 'ma trận hộp đen'
TPO – Mua thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) loại nào, làm gì khi các thiết bị này chủ yếu được lắp ráp từ linh kiện rời của Trung Quốc...
Đó là những băn khoăn của độc giả tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề Cơ chế chính sách quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình kéo giảm tai nạn giao thông do Báo Giao thông tổ chức chiều 7/6.
Tham gia tọa đàm có ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, lãnh đạo Vụ Vận tải, Vụ Khoa học - Công nghệ, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Hiệp hội Vận tải ô tô VN và một số doanh nghiệp sản xuất và sử dụng hộp đen.
Tại buổi toạ đàm, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT khẳng định: Hiện Bộ GTVT đang chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực kiểm tra xử lý xe không lắp đặt hoặc lắp đặt hộp đen không đúng quy định từ 1/7. Vì thế, việc triển khai xử phạt lần này sẽ không bị hoãn như đã xảy ra trước đây.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chỉ chưa đầy 1 tháng nữa, quy định này có hiệu lực, vẫn còn nhiều lo ngại về chất lượng hộp đen. Nhiều bạn đọc bày tỏ sự lo ngại về tình trạng hộp đen kém chất lượng, không đủ các tính năng theo quy định, “vàng thau lẫn lộn”; đặc biệt là tình trạng nhiều hộp đen tuy sản xuất trong nước nhưng lắp đặt từ các linh kiện từ Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi này, các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT cho biết, chất lượng sản phẩm đã được quản lý theo quy chuẩn do Bộ ban hành cùng với công tác thanh kiểm tra, xử lý đột xuất và thường xuyên. Các doanh nghiệp sản xuất cũng khuyến cáo người sử dụng mua những sản phẩm của những đơn vị có thương hiệu, được Bộ GTVT cấp phép sản xuất.
Việc sử dụng hộp đen vào công tác quản lý cũng được các độc giả quan tâm. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: “Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định thiết bị giám sát hành trình là công cụ dùng trong xử phạt vi phạm hành chính. Nếu muốn xử phạt phải bổ sung nhiều văn bản khác. Mặc dù chưa thể xử phạt hành chính các vi phạm này, nhưng theo các quy định hiện nay thì các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các sở GTVT đã có đủ cơ sở để xử lý các vi phạm về tốc độ. Từ 1/7 tới đây, khi một doanh nghiệp có 20% số xe vi phạm tốc độ sẽ bị tước giấy phép kinh doanh”.
Sỹ Lực – Lê Tươi