Đề án về xử lý tranh chấp chung cư
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2018 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, cho biết đơn vị này đang xây dựng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực BĐS, dự kiến tháng 12 tới sẽ trình Chính phủ.
Theo ông Ninh trong 6 tháng cuối năm, sẽ hoàn thành các đề án quan trọng đối với thị trường BĐS, bao gồm: “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”; “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS đảm bảo an sinh xã hội”; “Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2018 - 2021”.
Trong đó, bao gồm rất nhiều nội dung của thị trường như việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, vấn đề đầu tư nước ngoài vào thị trường địa ốc, tín dụng, bong bóng BĐS, tranh chấp, quản lý vận hành nhà chung cư, tranh chấp chung cư.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường BĐS, tạo cơ sở dữ liệu ban đầu cho hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.
Cho phép nâng chiều cao với cải tạo chung cư cũ?
Về cải tạo chung cư cũ tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM đang dậm chân tại chỗ, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho rằng, theo báo cáo tổng kết có khoảng 25% chung cư thuộc diện bị hư hỏng, nguy hiểm. Theo phân loại cấp D – thuộc diện nguy cấp mới phải di dời, cải tạo, phá dỡ. Còn lại những chung cư hư hỏng chưa bắt buộc phải tháo dỡ.
Đại diện Vụ Pháp chế cũng cho hay, để thực hiện việc cải tạo chung cư cũ đang gặp khó khăn ở hai vấn đề. Một là, về thể chế đã có quy định các chủ sở hữu căn hộ thỏa thuận với nhà đầu tư để lựa chọn chủ đầu tư sửa chữa, nhưng việc này cũng khó vì hàng trăm hàng nghìn hộ trong một khu chung cư mà mỗi hộ lại một ý khác nhau, rất khó đồng thuận.
Thứ hai, quy định cưỡng chế các công trình nguy hiểm để cải tạo, song để làm việc này lại cần phải có vốn, quỹ nhưng rất khó khăn. Hiện nay, Vụ Pháp chế đang nghiên cứu đề xuất cần có quy định cụ thể thời hạn giải quyết, xử lý khi chủ sở hữu không lựa chọn được nhà đầu tư thì nhà nước phải chỉ định chủ đầu tư vào cải tạo.
Nhưng vướng nhất trong việc cải tạo chung cư cũ, theo đại diện Vụ Pháp chế, Thủ tướng đã ban hành quy định các khu vực nội đô, trung tâm ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM không được tăng chiều cao dự án, không tăng dân số. “Không cho tăng chiều cao thì doanh nghiệp không có lợi nhuận, không thể đền bù giải phóng mặt bằng. Bộ Xây dựng đang báo cáo Thủ tướng xin giải pháp tháo gỡ vướng mắc này”, đại diện Vụ Pháp chế cho hay.
“Cần sớm ban hành quy chuẩn phân khu nội đô ra sao cho hợp lý với các vị trí, tạo điều kiện chỗ nào cho phép nâng chiều cao, thực hiện được thì cho thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng cho rằng, cần phải xã hội hóa, nhà đầu tư thấy có lợi nhuận mới làm. “Cần sớm ban hành quy chuẩn phân khu nội đô ra sao cho hợp lý với các vị trí, tạo điều kiện chỗ nào cho phép nâng chiều cao, thực hiện được thì cho thực hiện”, ông Hùng chia sẻ.
Bong bóng BĐS không xảy ra?
Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định tình trạng sốt đất ở các khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế đã bình ổn trở lại. Bên cạnh đó, thị trường trên cả nước không thể xảy ra bong bóng BĐS như một số chuyên gia đã dự báo.
Qua kiểm tra tại các địa phương Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), các giao dịch BĐS đã cơ bản dừng lại, các môi giới đã rút khỏi địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng sốt đất nền vẫn đang diễn ra cục bộ tại một số địa phương khác như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội...