Thông tin trên được Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết tại Hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐTB&XH cùng báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng 17/7.
Ông Diệp cho biết, ngày 11/7 vừa qua, sau khi nghe trình Dự thảo Đề án về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Ban Bí thư đã cho ý kiến. Theo đó, sẽ sửa toàn diện Pháp lệnh người có công.
Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hệ thống chính sách pháp luật về ưu đãi người có công tới nay đã bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế. Như một số văn bản hướng dẫn thực thi chính sách chưa thống nhất. Đặc biệt, vẫn còn một số người có công chưa được công nhận để thụ hưởng chính sách.
Theo ông Mai, có ý kiến nên mở rộng đối tượng người có công, không chỉ trong kháng chiến, mà cả trong những lĩnh vực xây dựng đất nước, nên bổ sung các đối tượng như: Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ thời ký kháng chiến bị ốm đau, bệnh tật; người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đầy trước ngày 30/4/1975; người có công ở nước ngoài; người được nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý trong giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học…
Ngoài ra, cũng cần bổ sung các chính sách như chế độ bảo hiểm y tế cho thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; hỗ trợ nhà ở với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác; giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng…
Đại Tá Ngô Quang Phúc, Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) bổ sung, vẫn còn không ít đối tượng người có công với cách mạng chưa được hưởng chính sách. Như còn hơn 600 người làm nhiệm vụ quốc tế bị đối phương bắt giam, hiện chưa có chế độ chính sách ưu đãi gì.
Cùng đó, các quy định để được công nhận liệt sĩ khi tham gia làm nhiệm vụ tập luyện, diễn tập… Tuy nhiên, quy định quá cụ thể, như phải tử vong vì bom, đạn trong diễn tập mới được công nhận liệt sĩ, còn các trường hợp tử vong khác thì không. Điều này dẫn tới bất cập, khi thực tế có nhiều công việc khác có rủi ro trong diễn tập, tập luyện… nhưng không được công nhận liệt sĩ.
Cũng theo Đại tá Phúc, chế độ trợ cấp một lần với người có công vẫn áp dụng mức 120.000 đồng/năm công tác đã được áp dụng từ năm 1995 tới nay vẫn chưa thay đổi. Trong khi lương cơ sở đã tăng rất nhiều lần từ đó tới nay.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, tới nay có 12 đối tượng được công nhận người có công với cách mạng. Hiện toàn quốc đã xác nhận trên 9 triệu người có công.
Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của chính sách người có công hiện nay, cần sớm sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công, nhằm hoàn thiện hơn nữa chính sách chăm lo cho người có công. Đồng thời, hoàn thành công công tác quy tập hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Ngoài ra, theo ông Diệp, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót trong xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Đại tá Ngô Quang Phúc, Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) cho biết, đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng đã trình Ban Bí thư Đề án về chính sách với người có công định cư ở nước ngoài. Theo khảo sát, hiện cả nước có khoảng 40.000 người có công định cư ở các nước trên thế giới. Dự kiến, chính sách cho nhóm đối tượng này khoảng 500 tỷ đồng.
Theo đó, hiện còn “trống” chính sách với nhóm đối tượng người có công (như thân nhân liêt sĩ, thương bệnh binh…) đã định cư ở nước ngoài, nhưng chưa được hưởng chế độ gì. Ngoài ra, những người có công đang hưởng chính sách trong nước, giờ có ý định đi nước ngoài định cự sẽ giải quyết thế nào cũng chưa có văn bản hướng dẫn. “Hiện với người nghỉ hưu hưởng lương hưu háng tháng theo chính sách bảo hiểm xã hội, nếu đi nước ngoài định cư sẽ được giải quyết bảo hiểm một lần theo số năm đó. Chúng ta có thể nghiên cứu chính sách này cho nhóm đối tượng người có công đã hoặc sắp định cư ở nước ngoài”, Đại tá Phúc nói.