Sáng 9/4, Việt Nam thêm 1 ca mắc COVID-19

TPO - Sâng 9/4, Bộ Y tế cho biết ghi nhận 1 ca mắc mới (BN2669). Bệnh nhân được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bắc Ninh.

Cụ thể:

Bệnh nhân 2669 (BN2669): Bệnh nhân nam, 55 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 31/3 bệnh nhân từ Angola nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN88 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bắc Ninh. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 8/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 36.971.

Bộ Y tế cho biết có thêm 1.208 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong ngày 8/4.

Tính đến 16 giờ ngày 8/4, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 19 tỉnh/TP cho 56.359 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.

Chi tiết 1.208 người được tiêm tại 3 tỉnh/TP trong ngày 8/4 như sau:

1) Hà Nội: 148 người

2) Hải Phòng: 109 người

3) TPHCM​: 951 người

Ngày 8/4/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ.

Trong tuần tới tỉnh Quảng Ninh sẽ bắt đầu triển khai tiêm vắc xin này.

Trong quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất tại Việt Nam, hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% các trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn; các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị gì, đây là dấu hiệu bình thường gặp phải không chỉ ở vắc xin phòng COVID-19, mà còn ở các loại vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khắc như sởi, ho gà, uốn ván…Hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.
WHO khuyến cáo các nước tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 của AstraZeneca để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng COVID-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19.

Hà Nội: Đảm bảo các phương án chống dịch COVID-19 cụ thể theo từng tình huống

Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 đảm bảo đầy đủ về nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị, phương tiện để thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế và người bệnh.

Các Trung tâm y tế xây dựng kế hoạch và triển khai các phương án chống dịch cụ thể phù hợp với các tình huống của dịch COVID-19; xây dựng kế hoạch phân công lấy mẫu, điều phối xét nghiệm và chủ động sẵn sàng đầy đủ các loại vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Các bệnh viện có kế hoạch đảm bảo thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh tại đơn vị và phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026.

Sở Y tế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác y tế phục vụ bầu cử quốc gia cũng như việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các bệnh viện.

Theo kế hoạch, ngành y tế triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 26.040 người là toàn bộ nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập trực thuộc và người bệnh tại các khoa: cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch, 30% người bệnh điều trị nội trú của các khoa còn lại (xét nghiệm ngẫu nhiên). Thời gian thực hiện xét nghiệm được chia thành 3 đợt.

Đợt 1 từ ngày 25/3 - 5/4 xét nghiệm cho tất cả nhân viên y tế của các bệnh viện trực thuộc, dự kiến 15.776 người. Đợt 2 từ 6 - 15/4, xét nghiệm cho tất cả nhân viên y tế của khối Trung tâm chuyên khoa và các Trung tâm y tế, dự kiến 10.264 người. Đợt 3 từ 16/4 - 30/5 xét nghiệm cho người bệnh tại các bệnh viện dự kiến 5.130 người.

Địa điểm lấy mẫu tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố. Các mẫu được chuyển đến các phòng xét nghiệm đã được công bố đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 của 8 bệnh viện công lập và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

Tiêm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam: 'Tiêm đến đâu an toàn đến đó'

Với phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”, quy trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến. Đó là công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng.

Cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm; công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng luôn sẵn sàng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm chủng.

Đồng thời với quá trình tiêm chủng, thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ, hệ thống trong phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, tiến tới quản lý và cấp chứng nhận điện tử tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, kết nối với thế giới.

Người dân cần bình tĩnh, tích cực và chủ động thực hiện các khuyến cáo của các chuyên gia y tế, các cơ quan chuyên môn về tiêm vắc xin phòng COVID-19

Mới đây, các cơ quan báo chí thông tin Châu Âu ghi nhận một số trường hợp sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca có liên quan đến tình trạng đông máu, huyết khối. Những thông tin này gây tâm lý gây hoang mang trong dư luận, khiến nhiều người chần chừ hoặc hủy bỏ lịch tiêm chủng; ảnh hưởng rất lớn đến khả năng bao phủ của vắc xin tại mỗi khu vực, quốc gia cũng như toàn cầu. Đặc biệt, khi một số quốc gia châu Âu dừng tiêm vắc xin, số ca mắc COVID-19 ở các nước này tăng trở lại như Đức, Pháp…

Theo khuyến cáo của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) và WHO, trường hợp xuất hiện tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối tĩnh mạch có liên quan đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca là rất hiếm gặp; trong khi lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca mang lại trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng trước COVID-19 lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro rất hiếm gặp nói trên.

Do vậy, WHO khuyến cáo các nước tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 của AstraZeneca để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng COVID-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19.