Sản xuất, kinh doanh cá tra: Vẫn bấp bênh, chao đảo

TP - Tháng 12, giá cá tra lại giảm sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 11 với giá 29.500 đ/kg cá loại một. Như thế, giá cá tra nguyên liệu trong năm 2011 đã lên đỉnh vào tháng 5, xuống đáy vào cuối tháng 8.

Rất lạ, những khi giá cá giảm, các nhà máy chế biến đều thiếu nguyên liệu. Hiện nay, nhiều nhà máy chỉ hoạt động 50-60% công suất.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Dương Ngọc Minh cho biết, khoảng 70% doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe dự báo, thiếu nguyên liệu còn kéo dài sang những tháng đầu năm 2012. Hồi cuối tháng 7, giá cá rớt thê thảm và người nuôi than thở bị tồn đọng nhiều, ông Minh cũng nói, nhà máy đang thiếu nguyên liệu. Lúc đó, ông nói rõ thêm, thiếu cá chất lượng tốt.

Cá tra đạt chất lượng tốt phải được nuôi đúng quy trình kỹ thuật và bằng thức ăn công nghiệp đúng chuẩn. Thức ăn còn quyết định giá thành vì chiếm đến 70-75% giá thành con cá. Nhưng đụng đến thức ăn thủy sản lại đụng đến lĩnh vực có nhiều bức xúc nhất hiện nay. Trung tâm Khảo nghiệm Kiểm nghiệm và Kiểm dịch Nuôi trồng thủy sản cho biết, từ năm 2008 đến nay, phát hiện hơn 20% mẫu thức ăn thủy sản kiểm tra không đạt chất lượng đăng ký.

Giá lại tăng liên tục, riêng năm 2011 tăng 7 lần. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, do quá ít phòng phân tích chất lượng và phòng thử nghiệm nên không kiểm soát được thức ăn thủy sản.

Nhiều doanh nghiệp chế biến có tổ chức nuôi cá cũng phải kêu trời về sự mập mờ bát nháo của thị trường dịch vụ, còn nông dân nuôi cá chịu rủi ro lớn hơn. Sau nhiều rầm rộ mở vùng nguyên liệu, đến nay doanh nghiệp lớn như Cty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương cũng chỉ tự lo được khoảng 50% nhu cầu. Nhìn chung, các doanh nghiệp chế biến chỉ muốn dừng ở mức tự lo 40-50% nguyên liệu.

Đang làm gia công cho nước ngoài

Phó chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh cho biết, năm nay xuất khẩu cá tra sẽ đạt hơn 1,6 tỷ USD. Dù kinh tế thế giới suy thoái, các thị trường chính của cá tra Việt Nam vẫn tăng trưởng: EU chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu, tăng 3% so với năm 2010; Mỹ chiếm 18% tăng gần 100%; ASEAN chiếm hơn 6% tăng 45%; Mexico chiếm hơn 5% tăng 17%; Brazin chiếm hơn 4% tăng 154%.

Cá tra Việt Nam đã đến 129 thị trường và vẫn được ưa chuộng vì chế biến được nhiều món, không có xương, giá cả phù hợp với đa số người tiêu dùng. Mới đây, Hiệp hội Thủy sản quốc gia Mỹ gửi thư ngỏ đăng trên Wall Street Journal, phản đối người nuôi cá ở Mỹ tạo rào cản vô lý với cá tra Việt Nam, và kiến nghị dỡ bỏ rào cản đó.

Từ con cá tra, cuối năm 2002, Agifish chế biến hơn 30 món. Nhiều doanh nghiệp nối tiếp và cuối năm 2005 có khoảng 50 món; nay đã hàng trăm món, từ sơ chế đông lạnh đến ăn ngay. Cả nước có 155 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.

Theo VietNam Report năm 2011 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam có 35 doanh nghiệp thủy sản.

Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp thủy sản nào bán được hàng trực tiếp cho người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp mới bán đến nhà nhập khẩu. Khoảng cách lợi nhuận từ bán hàng cho nhà nhập khẩu đến phân phối sỉ lại chênh lệch rất lớn, có thể đến 10 lần. Mức chênh lệch lợi nhuận còn lớn hơn nữa nếu tính đến siêu thị, cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng. Cũng có nghĩa, giá trị xuất khẩu cá tra của nước ta không cao (hoặc chưa hợp lý) trong chuỗi giá trị gia tăng.

Vì thế, các doanh nghiệp nước ta đã xuất khẩu nhiều cá tra, giá trị lớn nhưng chưa làm chủ được giá cả. Sức ép giá thấp đẩy xuống người nuôi, làm cho cả ngành sản xuất và kinh doanh cá tra luôn bấp bênh, chao đảo. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát còn nói, sản xuất và kinh doanh cá tra như đang làm gia công cho nước ngoài, khai thác tài nguyên giàu có đem cho người khác còn trong nước gánh ô nhiễm môi trường.

Theo Báo giấy