Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Bristol và Phòng thí nghiệm Bristol Robotics ở tây nam nước Anh cho biết họ đã tạo ra một thanh nhiên liệu có thể sử dụng vi khuẩn phá vỡ cấu trúc nước tiểu, giải phóng điện, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Vật ý Hóa học Xã hội Hoàng gia.
“Chưa có một ai khai thác được năng lượng của nước tiểu, vì vậy đây là một khám phá rất thú vị”, kỹ sư Loannis Leropoulos nói.
“Cái hay ở nhiên liệu này là ở chỗ chúng ta không dựa trên bản chất thất thường của gió hay năng lượng mặt trời, chúng ta đang thực sự tái sử dụng chất thải để tạo ra năng lượng. Nước tiểu của chúng ta là một nguồn năng lượng vô tận”, ông nói thêm.
Nhóm nghiên cứu đã nuôi vi khuẩn trên các cực dương của sợi carbon và đặt chúng bên trong các trụ gốm.
Vi khuẩn phá vỡ các hóa chất trong nước tiểu sẽ đi qua các trụ, phát ra một lượng nhỏ điện tích và điện tích này được lưu trữ trên một tụ điện.
Ông Leropoulos hi vọng rằng các thanh này, hiện có kích thước giống với ắc quy xe hơi có thể được phát triển rộng rãi hơn.
“Mục tiêu của chúng tôi là tạo được một phát minh nào đó có ứng dụng cao trong cuộc sống. Cho đến nay, ống nhiên liệu vi khuẩn (MFC) mà chúng tôi đã phát triển có thể tạo ra đủ điện để điện thoại gửi được tin nhắn SMS, duyệt web và thực hiện cuộc gọi ngắn”, ông giải thích.
“Ý tưởng này đã được thử nghiệm và thành công. Đã đến lúc chúng ta phát triển và cải tiến quy trình phát triển MFC để có thể sạc được đầy pin”, theo ông Leropoulos.
Phan Yến
Theo Asiaone