Sắc dân tộc bừng sáng ngày hội thanh niên Cao Bằng

TPO - Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Cao Bằng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 – 2029 có tới 185/198 đại biểu người dân tộc thiểu số, chiếm 93,4 % tổng số đại biểu tham dự đại hội.

Bên cạnh màu xanh áo Đoàn, trang phục dân tộc truyền thống của các đại biểu dân tộc thiểu số mang đến những sắc màu rực rỡ tại Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Cao Bằng lần thứ VI. Cao Bằng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, với nhiều dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa phong phú và độc đáo. Trong đó, đa số là dân tộc Tày, Nùng cùng các dân tộc anh em khác như Dao, Mông, Lô Lô, Sán Chỉ…

Tự hào sắc phục dân tộc Cao Bằng. Ảnh: Duy Chiến

Mỗi dân tộc có lịch sử phát triển riêng, ngôn ngữ riêng, những hoạt động kinh tế, nét đặc trưng văn hóa độc đáo riêng biệt, tạo nên bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú. Trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, cùng tiếng nói, chữ viết thì trang phục luôn là một yếu tố quan trọng góp phần tạo dựng nên bản sắc văn hóa. Trang phục truyền thống của các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh khác biệt nhau về kiểu dáng, loại hình, màu sắc và hoa văn trang trí.

Tự hào với sản vật riêng có của quê hương.

Đoàn kết các dân tộc trên mảnh đất cách mạng Cao Bằng.

Anh Hà Ngọc Huy - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Chúng tôi được sinh ra lớn lên trên Tỉnh Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống cách mạng, có tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Những phong tục tập quán, trang phục riêng biệt tạo nên bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay, do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết”.

Các em thiếu niên, nhi đồng ở Cao Bằng giới thiệu trang phục dân tộc.

Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng nói chung, tuổi trẻ các dân tộc địa phương nói chung đã luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục truyền thống, từ đó làm cho đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được chú trọng thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật, dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc.

“Những năm qua, các cấp bộ Đoàn- Hội ở tình miền núi biên giới Cao Bằng luôn coi trọng việc xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên hiện nay một mặt tiếp thu các giá trị văn minh nhân loại, gần gũi hơn với các trào lưu tiến bộ trên thế giới, mặt khác phát huy được những lợi thế truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, riêng có của địa phương”, anh Hà Ngọc Huy nói.