Sa thải hàng loạt quan chức cấp cao tham nhũng

TP - Hôm qua, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff quyết định sa thải nhiều quan chức cấp cao bị cáo buộc dính líu vụ bê bối tham nhũng gần đây gây chấn động trong và ngoài nước.

> Tổng thống Brazil dùng báo chí xử tham nhũng

Người dân Indonesia xem khẩu hiệu chống tham nhũng tại trụ sở KPK hôm 25-11. Ảnh: Xinhua.

Trong số người mất chức có bà Rosemary de Noronha, Chánh Văn phòng chính phủ phụ trách thành phố lớn nhất Brazil là Sao Paulo, và Thứ trưởng Tư pháp Jose Weber Holanda. Hai quan chức này bị cáo buộc gây ảnh hưởng chính trị để trục lợi, gian lận và tham nhũng.

Trước đó, vụ bê bối lớn hơn mang tên Mensalao (nghĩa là khoản trợ cấp kếch xù hằng tháng) khiến hàng loạt quan chức chính phủ phải ngồi tù.

Vụ điều tra mới nhất của cảnh sát Brazil được tiến hành, sau khi một quan chức từng nhận khoản hối lộ lớn đã nghĩ lại và lên tiếng cảnh báo chính phủ.

Hôm 23-11, cảnh sát bắt giữ 6 người với cáo buộc điều khiển một đường dây tạo ảnh hưởng chính trị để trục lợi, bán giấy phép của chính phủ để lấy tiền.

Trong số người bị bắt có hai anh em được bà Noronha giới thiệu nắm giữ những vị trí ngon ăn trong chính phủ.

Theo cảnh sát, hai anh em Paulo và Rubens Vieira đạo diễn toàn bộ kế hoạch hối lộ quan chức.

Bà Nohonha là phụ tá thân cận của cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Nhân vật này vẫn chưa lên tiếng về những cáo buộc trên.

* Ngày 25-11, Indonesia phát động phong trào khuyến khích người dân tích cực chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc. Đây là một trong chuỗi hoạt động nhằm kỷ niệm Ngày quốc tế chống tham nhũng 9-12.

Lễ phát động được tổ chức rầm rộ tại trụ sở của Ủy ban Diệt trừ Tham nhũng (KPK) với khẩu hiệu “Dám trung thực là điều vĩ đại” bao trùm cả một bức tường toà nhà của cơ quan này.

“Sự trung thực có thể tiêu diệt tham nhũng. Mọi người không nên chỉ nói về sự trung thực. Nếu mọi người thực hiện điều đó hằng ngày, thì nguy cơ xảy ra tham nhũng có thể bị loại trừ”, Chủ tịch KPK Bambang Widjojanto, phát biểu.

Ông Widjojanto khẳng định, sự trung thực có thể trở thành chiến lược cơ bản để nâng cao nhận thức và sự cam kết của mọi người trong việc đẩy lùi tham nhũng.

Các chuyên gia cho rằng, những nỗ lực hiện nay nhằm tiêu diệt tham nhũng vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi, vì vẫn chỉ tập trung vào những tiến trình luật pháp nhằm chống tham nhũng và chưa giải quyết được vấn đề trong chính phủ.

Indonesia xếp thứ 100 trong số 183 quốc gia về Chỉ số nhận thức tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra năm 2011. Năm 2010, Indonesia xếp thứ 110 trong số 178 nước, và năm 2009 xếp thứ 111 trên 180.

Gia Tùng
Theo Xinhua, BBC

Theo Báo giấy