Vụ việc ngộ độc này là một hồi chuông cảnh báo về tình trạng người dân sử dụng bừa bãi các loại cây rừng không rõ nguồn gốc, coi đó như “thần dược” để rồi mang họa vào thân.
Thấy lạ nên mang về... ngâm rượu uống
Cây lá ngón là loài cây dây leo, thân màu xanh, dài tới 12m, khá phổ biến ở miền rừng núi Việt Nam. Thân cây có khía, cành non màu xanh lục nhạt, không có lông. Hoa mọc thành xim đầu cành hay kẽ lá. Năm cánh hoa màu vàng, tràng hoa hình phễu, ra hoa trong khoảng từ tháng 5 tới tháng 12. Quả dạng nang, hình thon elíp hay hình trứng. Độc tính của lá ngón là do các ancaloit chứa trong toàn bộ cây. Trật tự độc của loài cây này giảm từ rễ, lá, hoa đến quả và thân cây. Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.
Mấy ngày qua, dư luận xã An Trung (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) bàn tán xôn xao về sự việc hai người dân vì uống rượu ngâm rễ cây mà phải thiệt mạng. Nhiều người dân địa phương cho biết, trưa 8/12, bà Đinh Thị Chất (55 tuổi) mời ông Đinh Văn Giâng (60 tuổi, cùng trú xã An Trung) đến cúng thôi nôi (lễ đầy tháng) cho cháu ngoại. Xong phần lễ, hai ông bà cùng nhau uống chai “rượu phép” vừa cúng tại nhà bà Đinh Thị Mía (ở cùng thôn, là thông gia với bà Chấp) để mừng đầy tháng cho cháu ngoại của bà Chấp. Rượu này do bà Chấp tự ngâm 2 ngày trước. Mọi người kể lại rằng, trước đó bà Chấp vào rừng đào được một rễ cây, màu vỏ cây như đã chết nhưng bẻ ra bên trong vẫn có màu xanh. Bà Chấp không biết là cây gì nhưng đoán rằng có thể chữa được bệnh đau lưng nên chặt về ngâm rượu uống. Ngay sau khi uống rượu, cả hai người đều bị vã mồ hôi, nôn ói rồi rơi vào hôn mê sâu. Ngay lập tức, cả hai người được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Lúc 14h cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tiếp nhận trường hợp của ông Giâng và bà Chất trong tình trạng chết lâm sàng, ngưng tim, mạch và huyết áp yếu, không đo được. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng đến hơn 15h cùng ngày, bà Chất tử vong còn ông Giâng được hỗ trợ thở máy, huyết áp tăng trở lại. Tuy nhiên đến 5h sáng 9/12, người đàn ông này cũng qua đời. Anh Đinh Văn Chanh (con trai ông Giâng) kể lại: “Sau khi uống rượu ở nhà bà Chấp xong, ba tôi về nhà bảo tôi hái dừa uống để giải rượu. Uống nước dừa xong vẫn không khỏi, ông bảo: “Tao trúng độc rồi, chắc chết thôi””.
Ngay lập tức, anh Chanh nhờ người cùng đưa cha lên Trung tâm y tế huyện An Lão rồi theo xuống Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn. Trong khi đó, sau khi về nhà, bà Chấp thấy trong người khó chịu nên đi nằm ngủ. Một lát sau bà tỉnh dậy, đi ra ngoài sân để vệ sinh thì bị choáng váng, vấp ngã trước cửa nhà, chân tay co cứng, không thể đứng dậy đi được nữa. Nghe tiếng động, vợ chồng anh con trai chạy ra xem. Thấy mẹ bị ngã, họ nghĩ là bà bị cảm gió nên đưa vào nhà, dùng dầu cao xoa bóp nhưng tình trạng của bà Chấp không khá lên mấy. Lo lắng, anh con trai đã báo tin cho người thân trong gia đình rồi đưa mẹ mình đi cấp cứu.
Bác sĩ Lê Kim Hùng, Phó Trưởng khoa Khám - Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế (TTYT) huyện An Lão, cho biết: “Khi vào bệnh viện, bệnh nhân đã tím tái, huyết áp 220/120mmHg, chúng tôi chẩn đoán là tai biến trên bệnh nhân ngộ độc nặng. Bệnh nhân được hút đờm dãi, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản bóp bóng, đồng thời truyền dịch có Adrenalin chảy nhanh, bơm Adrenalin tĩnh mạch.
Sau 15 phút, nhịp tim nhanh, huyết áp 160/60mmHg, bệnh nhân tiếp tục được bóp bóng và chuyển vào khoa Hồi sức cấp cứu điều trị. Sau khi truyền dịch, cho thở oxy thì bệnh nhân được đưa xuống BVĐK khu vực Bồng Sơn. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số đường máu tăng gấp 3 lần, men gan tăng gấp 8 lần, men tim tăng gấp 3 lần mức bình thường”.
Trong khi chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cái chết của hai người dân này thì tại địa phương lại dấy lên tin đồn nạn nhân tử vong là do bị người khác đầu độc. Sau khi xảy ra vụ việc trên, Sở Y tế Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tỉnh Bình Định lấy mẫu rượu để tìm nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc trên.
Ngày 9/12 đoàn công tác của Sở Y tế đã đến huyện An Lão để nắm thông tin cụ thể về vụ ngộ độc nghiêm trọng tại xã An Trung. “Rượu ngâm với nhiều loại thân, rễ, lá được cắt nhỏ nên không thể xác định chính xác loại cây. Cả thân, rễ, lá và rượu đều có màu đỏ!”, ông Trương Ngọc Hưởng, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện An Lão, người trực tiếp đến nhà bà Chấp, cho biết.
Đoàn công tác đã tiếp nhận một số mẫu thực phẩm do Trung tâm Y tế huyện An Lão thu giữ gồm: rượu ngâm, rượu trắng, cơm, cá chim cùng gói thân và rễ cây khô bà Chấp dùng để ngâm rượu. Số mẫu thực phẩm này sau đó đã được bàn giao cho Đội Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để phục vụ công tác điều tra. Các cơ quan chức năng cũng đã thực hiện khám nghiệm tử thi đối với cả 2 nạn nhân bị ngộ độc.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, các nạn nhân không có dấu vết thương tích bên ngoài, bên trong bị hoen tử thi vùng thận, khoang ngực có máu tụ, phổi và dạ dày xung huyết. Kết luận ông Giâng và bà Chất chết do uống rượu ngâm bằng rễ, lá cây rừng. Bước đầu cơ quan chức năng Bình Định xác nhận, nhiều khả năng hai người này ngộ độc cây lá ngón.
Bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bồng Sơn cho biết: “Đoàn công tác Sở Y tế Bình Định đã lấy mẫu rượu cùng rễ, lá cây rừng mà hai nạn nhân sử dụng, gửi đi phân tích. Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng đã về huyện An Lão thu thập thông tin, bước đầu xác định trong chai rượu gây ngộ độc này có ngâm rễ cây lá ngón!”.
Trào lưu nguy hiểm
Sự việc hai người dân tử vong sau khi uống rượu ngâm rễ, lá cây rừng khiến cho người dân địa phương vô cùng hoang mang. Nhiều gia đình có hũ rượu ngâm rễ cây cũng đã nhanh chóng đổ và chôn lấp số rễ cây lạ này để tránh bị chết oan vì thiếu hiểu biết.
Được biết, trước đó 2 năm, tại xã Ân Tín, huyện Hoài Ân (giáp ranh với huyện An Lão) cũng xảy ra một vụ ngộ độc tương tự khiến một người tử vong và 17 người khác phải nhập viện cấp cứu. Vụ ngộ độc lần này đã góp thêm một hồi chuông cảnh báo tình trạng sử dụng bừa bãi các loại rượu ngâm cây, con.
Thời gian gần đây, có khá nhiều ca bị ngộ độc thậm chí tử vong chỉ vì uống rượu thuốc ngâm từ các loại rễ, thân, lá cây được truyền miệng là “có tác dụng bồi bổ”. Với tình trạng những cây thuốc được bán tràn lan trên mạng, ngoài vỉa hè như hiện nay thì vấn đề đặt ra là làm sao nhận biết được đâu là cây thuốc thật, đâu là cây thuốc giả được bán tạp nham nếu người mua không phải là thầy thuốc y học cổ truyền.
Về việc nhiều người dùng rượu thuốc ngâm từ rễ, thân, lá cây bị ngộ độc thì nhiều người cho rằng, rượu thuốc từ lâu được dùng trong y học để trị một số bệnh và với nồng độ thấp, đưa vào cơ thể môt liều vừa phải sẽ có tác dụng trị liệu. Tuy nhiên, nếu đưa vào cơ thể liều lượng lớn khi bụng đói hoặc người có bệnh lý gan, thận, tim mạch… sẽ có ảnh hưởng xấu đến cơ thể, thậm chí gây ngộ độc.
Bác sĩ Trần Văn Năm, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.Hồ Chí Minh khuyến cáo: “Chỉ khi nào cơ thể bị suy giảm ở một bộ phận nào đó thì mới cần bồi bổ. Nếu không suy giảm thì thực sự là không cần phải uống thuốc bồi bổ.
Tốt nhất là khi không cần thiết thì không nên chọn dùng rượu thuốc để trị bệnh. Bên cạnh đó, không tự ý chọn ngâm các lại cây thuốc khi không có sự tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa. Khi uống các loại rượu ngâm rễ, thân, lá cây không rõ nguồn gốc, không đúng cách, không đúng bệnh có nhiều khả năng người uống sẽ bị ngộ độc.
Dấu hiệu ngộ độc dễ nhận biết là nôn ói, đau đầu, chóng mặt, run tay chân, co giật, hôn mê. Nếu phát hiện bị ngộ độc sớm và không nặng, có thể cho uống nước trà gừng pha đường ấm, nước rau má xay… Trong trường hợp bị ngộ độc nặng (co giật, mất ý thức) thì phải nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời”, BS. Năm cho biết thêm.