> Ngỡ ngàng vì nhiều thí sinh ảo
Trong nhiều kỳ tuyển sinh vừa qua, các trường ĐH ngoài công lập như ĐH Hoa Sen, ĐH Ngoại ngữ- Tin học TPHCM, ĐH Văn Lang không gặp nhiều khó khăn trong việc xét tuyển nguyện vọng (NV).
Thường các trường sau khi xét tuyển NV2 là đủ chỉ tiêu, không cần phải xét thêm ở NV3. Nhưng năm nay, các trường này đều gặp khó vì lượng thí sinh trúng tuyển ảo quá nhiều.
Trường ĐH Hoa Sen sau khi công bố điểm chuẩn NV1, có nhiều ngành trường không tuyển NV bổ sung nhưng do số thí sinh trúng tuyển ảo quá nhiều nên phải thông báo tuyển tiếp các ngành như: Tài chính - ngân hàng, Marketing, Quản trị nhân lực.
Tương tự, trường ĐH Ngoại ngữ- Tin học TPHCM từ ngày 22-8 đã ra thông báo không nhận hồ sơ xét tuyển NV bổ sung nữa do đã hết chỉ tiêu, đến ngày 10-9, thì trường này lại tiếp tục thông báo tuyển NV bổ sung ở một số ngành như: Trung Quốc học, Hàn Quốc học, ngôn ngữ Trung Quốc, Công nghệ thông tin… vì có nhiều thí sinh trúng tuyển ảo.
Không chỉ các trường ngoài công lập mà ngay cả các trường công lập cũng rối bời vì thí sinh trúng tuyển ảo.
Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) sau khi công bố điểm chuẩn NV1 chỉ ra thông báo thực hiện đăng ký nguyện vọng phân ngành cho những thí sinh không trúng tuyển NV1 nhưng có tổng điểm từ điểm sàn trở lên chứ không hề tuyển NV bổ sung.
Đến ngày 7-9, trường ra thông báo tuyển NV bổ sung 7 ngành, 210 chỉ tiêu với lý do vì lượng thí sinh trúng tuyển NV1 đến làm thủ tục nhập học không đủ nên trường phải tuyển thêm.
Trong khi đó, hiện tại các trường ngoài công lập như ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… vẫn tiếp tục cuộc đua xét tuyển NV bổ sung.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn Tuyển sinh Truyền thông Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM cho biết: Các năm trước, tỷ lệ thí sinh đến nhập học tại trường đạt trên 70% nhưng năm nay thì chỉ khoảng 60%. Điều này chứng tỏ, có khoảng 40% số thí sinh trúng tuyển vào trường là ảo.
Hiện hệ ĐH, CĐ của trường còn khoảng 1.700 chỉ tiêu và trường tiếp tục xét tuyển NV bổ sung đợt 3 đến ngày 22-9.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thông báo tuyển NV bổ sung với 3.850 chỉ tiêu ở hệ ĐH và CĐ nhưng đến nay, theo thống kê, số thí sinh đăng ký xét tuyển NV bổ sung vào trường mới khoảng 2.000 thí sinh.
Bà Lê Thị Mỹ Trang, ủy viên Hội đồng tuyển sinh của trường cho biết: “Hiện trường còn hơn 1.000 chỉ tiêu nữa. Đến ngày 14-10, thí sinh trúng tuyển mới nhập học, và điều hiển nhiên là trường cũng sẽ chịu cảnh thí sinh trúng tuyển ảo như các trường khác, lúc đó nếu ngành nào tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo nhiều thì trường sẽ tiếp tục xét tuyển NV bổ sung tiếp”.
Các trường ĐH khác như: ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định, ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, ĐH Công nghệ Sài Gòn… hiện vẫn tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển NV bổ sung vào tất cả các ngành đào tạo.
Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại làng ĐH Thủ Đức cho biết, việc kéo dài thời gian tuyển mới nghe có vẻ là giúp cho thí sinh có thêm cơ hội vào ĐH, các trường khó tuyển có thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Nhưng thực tế tuyển sinh năm nay cho thấy việc kéo dài thời gian xét tuyển đã làm rối tung kế hoạch tuyển sinh và đào tạo ở các trường. Rối vì tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo quá nhiều buộc các trường phải xét tuyển nhiều đợt.
Bên cạnh đó, những thí sinh trúng tuyển vào tháng 11 (nếu có) thì các trường sắp xếp lịch học như thế nào? Nếu buộc các em vào học chung với các thí sinh đã trúng tuyển từ tháng 9 thì liệu các em có theo kịp không?
ĐH Đà Nẵng tuyển thêm gần 300 chỉ tiêu
Đà Nẵng - Chiều 17-9, ĐH Đà Nẵng công bố xét tuyển gần 300 chỉ tiêu NV bổ sung vào các ngành bậc ĐH, CĐ phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum.
Theo đó bậc ĐH xét tuyển 196 chỉ tiêu, các ngành khối A,A1 (từ 13 điểm), D1 (từ 13,5 điểm), gồm: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (A), Kinh tế xây dựng (A), Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng (A,A1,D1).
Bậc CĐ các khối A,A1 (từ 10 điểm), D1 (10,5 điểm) vào các ngành: Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Kế toán doanh nghiệp, Quản trị kinh doanh.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Việt - Trưởng ban Đào tạo (ĐH Đà Nẵng): theo quy định cách thí sinh có thể rút hồ sơ gốc 5 ngày trước khi hết hạn xét tuyển.
Trường hợp thí sinh không trúng tuyển ở đợt xét tuyển NV trước có thể linh hoạt được rút hồ sơ, nhưng phụ thuộc thời gian xử lý của cán bộ làm nhiệm vụ.
PGS.TS Nguyễn Tấn Quý, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cũng cho hay, thí sinh không trúng tuyển vào trường nếu nộp hồ sơ gốc có thể được rút lại để tham gia xét tuyển vào trường khác. Ngày 20-9 tới, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng kết thúc đợt xét tuyển NV bổ sung.