Ukraine có kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công tầm xa đầu tiên trong những ngày tới, các nguồn tin cho biết, nhưng không tiết lộ chi tiết do lo ngại về an ninh.
Động thái này diễn ra hai tháng trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức, và sau nhiều tháng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Washington cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Theo Reuters, quyết định của Mỹ được đưa ra để đáp trả việc Nga bị cáo buộc triển khai lực lượng Triều Tiên ở tiền tuyến.
Tổng thống Zelensky cho biết trong bài phát biểu hằng đêm, rằng các tên lửa sẽ "tự lên tiếng”.
"Hôm nay, nhiều phương tiện truyền thông nói rằng chúng tôi đã được phép thực hiện các hành động thích hợp", ông nói. "Nhưng các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Những điều như vậy sẽ không được thông báo công khai”.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về thông tin này.
Điện Kremlin trước đó cảnh báo, rằng Nga sẽ coi động thái nới lỏng các giới hạn về việc Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ là một sự leo thang nghiêm trọng.
Vladimir Dzhabarov, phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Thượng viện Nga, cho biết quyết định cho phép Kiev tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí Mỹ có thể dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ ba.
Cuộc tấn công đầu tiên
Theo các nguồn tin, những cuộc tấn công tầm xa đầu tiên của Ukraine có khả năng sẽ được thực hiện bằng tên lửa ATACMS, có tầm bắn lên tới 306 km.
Trong khi một số quan chức Mỹ hoài nghi rằng việc cho phép các cuộc tấn công tầm xa có thể thay đổi quỹ đạo chung của cuộc xung đột, thì quyết định này có thể giúp Ukraine vào thời điểm lực lượng Nga đang giành được lợi thế, và có thể đưa Kiev vào vị thế tốt hơn nếu diễn ra các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Không rõ liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có đảo ngược quyết định của ông Biden khi nhậm chức hay không. Ông Trump từ lâu đã chỉ trích quy mô viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ cho Ukraine, tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Người phát ngôn của ông Trump không trả lời yêu cầu bình luận. Nhưng một trong những cố vấn chính sách đối ngoại thân cận nhất của ông Trump, Richard Grenell, đã chỉ trích quyết định này.
“Làm xung đột leo thang trước khi rời nhiệm sở", ông Grenell viết trong bài đăng trên X.
Kể từ ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden đã nhiều lần nói rằng họ sẽ sử dụng thời gian còn lại để đảm bảo Ukraine có thể chiến đấu hiệu quả vào năm tới, hoặc đàm phán hòa bình với Nga từ “một vị thế mạnh mẽ hơn”.
Quyết định muộn màng
Mỹ tin rằng hơn 10.000 binh lính Triều Tiên đã được điều đến miền đông nước Nga, và hầu hết trong số họ đã chuyển đến khu vực Kursk để bắt đầu tham gia các hoạt động chiến đấu.
Nga đang tiến quân với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022 mặc dù chịu tổn thất nặng nề, và Ukraine cho biết họ đã đụng độ với một số nhóm quân Triều Tiên được triển khai tới Kursk.
Do thiếu hụt nhân sự, lực lượng Ukraine đã mất một số vùng mà họ giành được trong cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga hồi tháng 8.
“Với việc gỡ bỏ hạn chế tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, Ukraine sẽ không còn phải chiến đấu với một tay bị trói sau lưng”, Alex Plitsas, thành viên cấp cao không thường trực tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết.
"Tuy nhiên, tôi tin rằng quyết định này đến quá muộn. Giống như ATACMS, HIMARS, xe chiến đấu Bradley, xe tăng Abrams và F-16. Tất cả những vũ khí này đều cần đến sớm hơn nhiều", ông nói thêm.
Bất chấp lời kêu gọi của ông Zelensky, Nhà Trắng suốt một thời gian dài đã tuyên bố không cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, vì lo ngại điều này có thể làm gia tăng xung đột.
Nghị sĩ Mike Turner, đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho biết trong một tuyên bố, rằng quyết định của ông Biden được đưa ra quá muộn và vẫn còn quá nhiều hạn chế đối với Ukraine.
Các đồng minh khác của Kiev cũng đã cung cấp vũ khí, nhưng hạn chế về cách thức và thời điểm sử dụng những vũ khí này bên trong nước Nga, vì lo ngại những cuộc tấn công như vậy có thể dẫn đến hành động trả đũa, lôi kéo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc chiến hoặc gây ra xung đột hạt nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Radoslaw Sikorski, cũng gọi động thái này là phản ứng của Mỹ trước sự can dự của Triều Tiên.
"Tổng thống Biden đã phản ứng trước việc quân đội Triều Tiên tham chiến và cuộc tấn công tên lửa ồ ạt của Nga bằng một ngôn ngữ mà Nga có thể hiểu được - gỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng tên lửa phương Tây", Bộ trưởng Sikorski phát biểu trên X.