“Sát cá” đến nỗi chẳng cần “đi câu”, chẳng cần “rắc thính” cá cũng đến, “ngoe nguẩy đuôi” làm hiệu để anh vớt lên. Bí quyết là gì chính Tuấn cũng chẳng biết.
Có người bảo, tại cái vẻ đàn ông với chiều cao 1 mét 78 và gương mặt điển trai, lại có người bảo tại bộ râu, bộ râu quyến rũ mọi thời đại, mỗi người mỗi ý nhưng chung nhất người ta bảo rằng đàn bà con gái thích anh ta vì đàn hay hát giỏi lại nhiều tiền. Và nhiều tiền là điều kiện số 1.
Trong thâm tâm Tuấn nghĩ mình là kẻ may mắn. May mắn ngay từ thuở đầu đời. Chẳng bởi lý do gì hết Tuấn sang Mỹ một cách dễ dàng cùng với năm thằng bạn ở khu Hoàn Kiếm lúc 16 tuổi. Năm thằng học không được, kiếm việc làm cũng không xong đã quay về hết, còn Tuấn, một mình trụ lại. Tiền cha mẹ cho mang theo còn nguyên. Hai mươi sáu tuổi đã có thẻ xanh*, lương mỗi giờ 9 đô Mỹ, tháng có việc làm đủ 22 ngày, thuê được phòng riêng để ở.
Ban đầu Tuấn nhớ nhà. Nhớ cái phố Hàng Đào nơi Tuấn sinh ra, nhớ những đứa bạn trai cùng lứa chiều chiều tan học, khi thì nhảy xe điện vòng quanh phố phường, khi thì lội nước quanh Hồ Hoàn Kiếm.
Đã có lần nhớ quá mà Tuấn định quay trở lại. Nhưng những lá thư của cha và anh trai viết sang, bảo “nhiều người muốn như con mà không được, ở Mỹ chứ ở châu Phi đâu mà khổ, cố mà thành người Mỹ con ạ…”. Tuấn không muốn thành người Mỹ, nhưng quang cảnh phố xá, và trật tự xã hội Mỹ thì Tuấn thấy rất phù hợp với tính cách của mình.
Tuấn thích căn phòng đang ở, nó nằm trong một ngôi biệt thự xinh xắn, quanh năm có hoa. Hoa ở hàng rào, hoa ở lối đi, hoa trước thềm và hoa treo ở ban- công.
Ngôi biệt thự nằm trên một con phố nhỏ thoai thoải dốc. Hai bên đường là những ngôi biệt thự xinh xắn, cửa sổ treo rèm, tiếng ghi-ta vẳng ra thánh thót. Khác hẳn với Hàng Đào của Tuấn, những dãy nhà san sát không ánh sáng quanh năm ồn ào tấp nập.
Cha Tuấn là con trai của một công chức Pháp. Mẹ của Tuấn luôn buồn khổ vì chồng mình cái gì cũng biết chỉ mỗi việc kiếm tiền là không. Trong nhà, sách tiếng Pháp những quyển đóng bìa da, những quyển họa báo xếp mòn mỏi trên giá, để dần dần theo gánh đồng nát, nhường chỗ ở cho con cái lớn lên.
“Chúng ta chỉ còn có một phần năm ngôi nhà này thôi, bốn phần kia đã cống hiến cả rồi, ông phải nhớ như thế mà dẹp sách của ông lại nhé. Cái thời nhâm nhi, ngẫm nghĩ qua rồi, cả cái thời ở rộng, nhà có sân có vườn, có người giúp việc… qua lâu rồi ông ạ”.
Những lời đó của bà và mẹ nói cho ông và bố nghe chẳng mấy ảnh hưởng tới Tuấn. Tuấn đi được Mỹ chỉ vì may mắn, theo mấy thằng bạn nộp đơn và được người ta bảo lãnh, thế thôi. Thanh niên nên đi xa một lần cho biết. Anh trai Tuấn “mu kích” một câu như thế.
“Đã sang đến đấy thì sống thế nào cho sướng cái đời thì sống Tuấn ạ. Đời cha và đời anh, những viên đá lát đường, đã…xong phận sự rồi”. Tuấn cũng nghĩ thế. Và anh chọn cuộc sống trong căn phòng thơ mộng này, không khắc khoải loay hoay với một đống quá khứ và mọi trách nhiệm làm gì cho mệt.
Không ít các cô gái Mỹ đã nhìn anh với con mắt thiện cảm. Cũng không ít người đã qua đêm ở đây với anh. Họ nồng nhiệt và chân thật. Họ vô tư và trong trẻo. “ Cứ yêu xin đừng mơ ước gì”, họ biết thế và vui vẻ đem đến cho Tuấn một cuộc sống sinh động mà không trói buộc.
Một trong 5 thằng cùng đi hồi ấy và đã phải về đã đùa rằng, học ngoại ngữ trên giường là hiệu quả nhất. Anh không chỉ thành thạo tiếng Mỹ mà anh ngấm văn hóa Mỹ lúc nào không biết, anh trở thành người đàn ông Mỹ có gương mặt châu Á điển hình.
*
Đó là khi Tuấn chạm tuổi ba mươi. Cặp người thuê Tuấn làm việc bỗng dưng giở chứng. Họ nói, họ muốn nhường lại một phần cửa hàng, hoặc toàn bộ nếu Tuấn muốn và có đủ tiền mua. Đang làm công ăn lương, hết giờ thì đàn hát gái gú, vậy mà bây giờ có nguy cơ mất việc.
Nghĩ trong một tuần, Tuấn đưa ra một quyết định táo bạo. Với số tiền dành dụm được và vay thêm ngân hàng Tuấn đã là cổ đông với tỷ lệ 50/50 với ông bà chủ cũ. Giống như tất cả những người Mỹ không ham làm giàu đến hết đời, họ nhận tiền rồi đi du lịch khắp thế giới. Tuấn kinh doanh và chia lời. Và anh trở thành một người Mỹ gốc Việt giầu có.
*
- Em không yêu vì anh giầu. Em yêu vì thấy anh giống người em gặp trong mơ.
Một cô gái gốc Nhật, cũng giỏi kinh doanh buôn bán nói với Tuấn như vậy.
- Tao yêu mày chẳng biết vì cái gì nữa. Nhưng tao chán cảnh mỗi đứa một nhà rồi. Hãy chung sống được không?
Cô con gái ông luật sư nổi tiếng ở San Francisco, người đã tốt nghiệp MBI và đang giữ mức lương 300.000 đô một năm, nói với Tuấn như vậy.
Cái cảm giác dư thừa đàn bà đã khiến Tuấn bỏ lỡ nhiều cơ hội kết hôn. Chủ động bỏ đàn bà cũng có, đàn bà bỏ Tuấn cũng nhiều.Chỉ những buổi chiều chủ nhật bên cây đàn là Tuấn không bỏ, những bản tình ca da đỏ cũng không bỏ Tuấn.
Công việc cửa hàng cuốn hút hết sức lực, tâm trí và thời gian, chỉ khi ngồi đàn Tuấn mới thấy lòng thư thái. Cái thư thái của kẻ cô đơn chủ động. Trong cô đơn anh bỗng thuộc hơn những bức thư từ bên nhà gửi sang. Anh cố hình dung đời sống người Việt qua những phục hồi từ phố Hàng Đào.
Ngày anh ra đi, cha mẹ anh gầy gò thiểu não. Anh trai anh lúc nào cũng căng thẳng cáu gắt, thi thoảng lắm lại hát những bài hát não nề. Những người ấy khuyên anh đừng bao giờ bước chân trở lại. Nhưng cách đây 5 năm, họ lại bảo anh về.
- Phải về và mang theo vợ con. Cậu có biết cậu bao nhiêu tuổi rồi không? Nếu không có ai bên ấy thì về đây tìm hiểu. Vô phúc mới là thằng đàn ông ở vậy suốt đời.
Mẹ Tuấn viết thư giục. Lần đầu Tuấn hiểu cái từ bản sắc dạo này người ta hay nói đến.
*
Lấy vợ? Lấy ai? Kể ra đẻ những đứa con cho người Mỹ cũng hay. Các con của Tuấn sẽ lớn lên trong những căn nhà đẹp, sẽ nói thứ tiếng cả thế giới đều dùng, sẽ đọc nguyên bản những tác phẩm có giá trị phổ quát nhất. Tuấn nghĩ đến cảnh không phải làm rể, giống như bố. Bố không thể có ý kiến riêng khi có ông bà ngoại và mẹ.
Nhưng ông giời oái oăm. Kể từ khi bắt đầu để ý đến việc lấy vợ đã năm năm rồi mà cái người đồng ý kết hôn với Tuấn, sinh con đẻ cái với Tuấn vẫn chưa xuất hiện. Các cô gái Mỹ không sẵn sàng cho việc đó, nhất là sẽ vài năm một lần phải về Việt Nam thăm hỏi, chung sống và gánh vác đôi ba trách nhiệm với nhà chồng.
Không tìm được, Tuấn đã dứt khoát với mình, quên đi, không lấy vợ nữa. Phúc đức xin dành lại cho anh trai, cho người khác, con xin mẹ cho con sống vui ở đời này là đủ. Tuấn thầm nói với mẹ trong tiếng ghi- ta của chính anh.
Anh chơi hết bản này sang bản khác, anh thích các vũ điệu Mỹ La tinh sôi động. Cũng có khi là các bản Flamenco. Anh không thấy buồn, cũng không thích buồn và thật ra cuộc đời anh chẳng có gì gọi là buồn. Phụ nữ vẫn đến với anh dễ dàng và vô tư như bông hoa nở đúng lúc anh muốn ngắm nhìn tận hưởng.
*
Đùng cái bố anh ốm nặng, và, đã hơn hai mươi năm Tuấn cũng chưa về. Hai mươi năm, thời gian đưa anh đi qua những nấc thang dốc ngược để tới được vị trí hôm nay. Toàn bộ cửa hàng đã thuộc về anh với 12 nhân viên cộng tác. Thay vì trở lại Hàng Đào, Tuấn đã gửi tiền cho bố mẹ và anh đủ để gây dựng một nhà hàng ven bờ sông Hồng. “Nhưng, tiền không thể thay thế. Con về ngay kẻo không kịp”.
Sân bay Nội Bài khác ngày Tuấn ra đi một trời một vực. Thậm chí còn hiện đại hơn cả sân bay Kennedy ở California ở khoản băng chuyền. Chỉ các nhân viên phục vụ là vẫn thế. Họ mặc đẹp hơn, biết điều khiển cả những máy móc tân tiến gấp mười hơn ngày trước, nhưng thái độ cửa quyền thì “nguyễn y vân ”, cái mà Tuấn luôn bị dị ứng.
Hàng Đào cũng thay đổi. Bây giờ là phố đi bộ. Không có ô tô chạy qua, nhưng tiếng tầu điện leng keng thì Tuấn tiếc. Giá mà vẫn còn tầu điện, giống như ở trung tâm San Francisco, 5 đô một lần cho người ta hoài cổ?
Hàng Đào bây giờ bán buôn, bán lẻ rất nhiều mặt hàng, từ thượng… vàng đến hạ…ô mai khế. Nhưng nhiều nhất là hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc luôn là một xưởng sản xuất khổng lồ của thế giới. Mẹ Tuấn phàn nàn là hàng Trung Quốc rẻ nhưng hay hỏng, không như thời ông bà nội, cái gì của Tàu ngày ấy đều có giá vì vừa bền vừa đẹp.
Tuấn liếc nhìn bên phía trái tủ sách, vẫn còn đó chiếc độc bình thời Khang Hy, thứ mà tay buôn đồ cổ trả giá, đủ để mua một căn hộ tập thể dưới Cánh Đồng Si, Ngã Tư Sở bây giờ.
*
Cha thấy Tuấn về bỗng khỏe hẳn lại, chẳng phải thuốc men gì nữa. “Bố tưởng con thành người Mỹ mất rồi. Con ơi, hay thì hay thật đấy. Chỉ có Mỹ mới có Obama làm tổng thống. Nhưng con ơi, cóc chết ba năm còn nhớ núi mà về, cá hồi còn ngược dòng tìm lại chốn xưa tình cũ, cha nhớ con ngày đêm không ngủ. Con ơi. Độc thân là có tội với tổ với tiên, Việt Nam mình không ai không vì tổ tiên mà sống…”.
Tuấn cười cười, bố lạc hậu rồi, bây giờ người ta làm sinh nhật to hơn kỷ niệm ngày mất. Bố bảo, không không, bây giờ hay bao giờ, sinh nhật cứ làm đi, cứ vì người sống mà sống đi, vì mình đi nhưng đến tuổi già con sẽ thấy người ta còn sống vì những kỷ niệm nữa đấy. Giỗ Tết là để kỷ niệm hiện về, là để ký ức sống động. Mọi thứ bố có thể sai nhưng cái này thì bố đúng con ạ.
Tuấn chẳng cãi bố nhưng lời bố bay mất lúc nào. Tuấn ở nhà một tháng rồi chuẩn bị trở lại Cali. Mẹ bảo mang măng mang miến mang quần bò, áo thêu. Tuấn giãy nảy, bây giờ chợ Việt ở San Jose nhiều thứ ấy lắm, cái gì cũng có, giò lụa, giò bò, rau muống, rau thơm chẳng thiếu thứ gì.
Bỗng có một nữ nhà báo đến thăm hỏi chuyện Việt kiều, cùng đi có cô gái chừng hai mươi tuổi. Mẹ Tuấn giới thiệu đây là con gái và cháu ngoại người bạn, ở phố Hàng Dầu.
Chưa bao giờ Tuấn lại ngây người đến mức ấy trước sắc đẹp. Tuấn không còn nghe được những câu hỏi của nhà báo về sự đóng góp của Việt kiều cho quê hương, của bản thân Tuấn. Tuấn âm thầm, len lén nhìn đôi bàn tay thon, kiều diễm khi mẹ Tuấn nói cô gái vừa đoạt giải piano quốc tế.
Lần đầu tiên Tuấn biết mình đã già. Lần đầu tiên Tuấn hiểu cái giá của thời gian.
Cô gái cũng sửng sốt phút ban đầu gặp Tuấn. (Sau này cô viết thư cho Tuấn, cô nói cô như bị điện giật). Chính vì sửng sốt cái vẻ đẹp đàn ông cô chưa nhìn thấy bao giờ nên cô đã ngồi lại với mẹ, chứ lẽ ra cô chỉ đèo mẹ đến rồi thôi. Cô có lịch tập ở Nhạc viện, chuẩn bị cho ngày biểu diễn bản Concerto số 1 cho đàn piano và dàn nhạc của Chopin.
*
Tuấn, cái anh chàng được coi là “sát cá” nhất vùng, là chuyên gia tâm lý của chính mình trong vấn đề gái gú, lần đầu tiên đau khổ, lần đầu tiên choáng váng. Ban đầu anh không biết choáng váng vì bà mẹ, cũng chừng ở tuổi 40, hay cô con gái, ở tuổi 20 hay cả hai, hay chỉ là cái mơ ước về một bàn tay thon với những bản concerto cho đàn piano của các tác giả kinh viện. Nhưng cuối cùng, anh khẳng định rằng vẻ đẹp ẩn chứa toàn bộ: Từ một gia đình truyền thống, một xã hội đang phát triển, qua bà mẹ, và đơm hoa kết trái vào cô gái.
Ôi ôi, tôi đã bỏ lỡ một nhịp mất rồi. Tôi phải làm gì đây. Phải thế nào đây. Tuấn sống trong tâm trạng bối rối trong những ngày trở về căn phòng riêng bên “Thung lũng hoa vàng”. Những giai điệu Flamenco không dứt anh ra khỏi hình ảnh của cô gái phố Hàng Dầu thời mới. Anh luôn gọi điện về nhà, câu chuyện loanh quanh một hồi thế nào rồi cũng dẫn đến, dạo này cô gái có ghé qua không, đã có người yêu chưa?
Hỏi thì hỏi, nhưng Tuấn vẫn tự nhủ rằng, cô gái là trẻ quá, là trẻ lắm, là không được... mơ ước tới.
Anh tìm mua tất cả những bản Concerto số 1 cho piano. Anh nhận ra rằng, mọi tác giả kinh điển, dù bao nhiêu tác phẩm thì bản số 1 vẫn là hay nhất. Nghe nhạc và mơ màng, và nhận ra mình đã già, và thấy mình giàu có chẳng để làm gì nếu hằng ngày không nhìn thấy bàn tay thon nhỏ.
*
Chỉ còn ít bữa nữa là Tết Âm lịch ở Việt Nam. Tuấn nôn nao nhớ Hà Nội. Nhớ cái gì không biết nữa, nhưng là rất nhớ, rất khắc khoải, nôn nao. Ngày nào Tuấn cũng vào mạng đọc tin nhà, ban đầu còn không hiểu hết những gì tiếng Việt viết ra, hình như câu cú bây giờ khác với cái thời phổ thông anh học, càng khác với lối tiếng Anh trên các bản tin. Nhưng anh cố đọc, anh muốn hiểu được những gì đang xảy ra và làm nên cái gương mặt ấy, đôi tay ấy và tiếng đàn ấy, tiếng đàn mà anh đã nghe hôm cuối cùng rời đi.
Chưa biết có nên về lại hay không thì sáng nay anh nhận được thư của cô gái: “…thua chu, chau, a khong, thua… anh, em…. Em rat mong duoc gap lai anh. Muon duoc dan cho anh nghe mot ban romance… mua xuan dem den cho Ha Noi mot ve dep hoan hao…Em cung muon duoc nghe tieng dan cua…anh. Em xin loi, em khong the va khong muon goi anh la… chu. Em…thich dươc co anh o ben…Em da hoi xin dia chi email nay tu me anh, va me cung muon anh ve an Tet… ”
Cái anh chàng “sát cá” nhất vùng…ấy, lúc này đang chờ ở phòng vé sân bay Kennedy. Nhưng người ta bảo, chưa biết có vé cho anh hay không.
|
Đó chính là cách viết của người đủ bút lực, người đủ sức làm chủ ngòi bút. Thì đúng rồi, Trần Thị Trường không hổ danh là nhà văn cứng cựa, tai quái và tinh tế.
Để cuối cùng, một biến cố khang khác xuất hiện, khiến câu chuyện có dáng vẻ sống động hẳn lên. Và thật may, nó đã dừng đúng lúc, trước khi trở thành một câu chuyện có hậu.