> Tranh chấp Trung-Nhật có thể leo thang tới mức nguy hiểm
> Trung Quốc hy vọng Mỹ cân bằng về Điếu Ngư/Senkaku
Theo Japantoday, đây là lần đầu tiên hai bên Trung Nhật đối đầu nhau kể từ khi tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku nổ ra từ hồi tháng 9 năm ngoái mà theo giới phân tích có thể dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang.
“Ngày 30- 1, một thiết bị gần giống radar điều khiển bằng hỏa lực đã nhắm trực tiếp tới một con tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ Biển Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã xác nhận đấy chính là radar theo dõi mục tiêu”, dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera.
Bộ trưởng Itsunori Onodera cho biết đây không phải là lần đầu tiên các phương tiện của Nhật bị nhắm làm mục tiêu bằng radar. Hồi cuối tháng trước, một chiếc trực thăng của quân đội Nhật Bản cũng đã trở thành mục tiêu của radar.
Các quan chức Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết, trong cả hai lần bị radar nhắm mục tiêu, mỗi lần kéo dài khoảng vài phút.
Việc Trung Quốc dùng radar nhắm mục tiêu như vậy được cho là hành động không bình thường, có thể dẫn đến một tình huống nguy hiểm nếu có sự sai sót xảy ra. Phía Nhật yêu cầu phía Trung Quốc kiềm chế những hành động nguy hiểm trên.
Theo Hisao Iwashima, cựu thành viên thuộc Viện Nghiên cứu Quân sự Quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc cần có câu trả lời rõ ràng về những hoạt động mà lực lượng hải quân đang thực hiện.
Nhật triệu đại sứ Trung Quốc
Cũng trong ngày 5-2, Tokyo đã triệu đại sứ Trung Quốc nhằm phản đối sự hiện diện của tàu hải giám được cho là của cơ quan chính phủ Trung Quốc trên vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku một ngày trước đó.
Hai tàu của Trung Quốc đã đi vào vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku vào sáng 4- 2 và ở lại trong vòng 14 giờ. Đây là lần ở lại lâu nhất trong hàng loạt đợt điều tàu hải giám ra khu vực biển này.
Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Cheng Yonghua trong ngày 5- 2 đã bác bỏ những phản đối của Nhật Bản khi Trung Quốc đưa tàu giám hải ra vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Đại sứ Cheng Yonghua cho rằng, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và vùng biển xung quanh là lãnh hải vốn có của Trung Quốc, đồng thời, yêu cầu Nhật Bản không gây cản trở với các tàu tuần tra thường xuyên của Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang ngày một leo thang khi Trung Quốc liên tục điều tàu ra khu vực biển này. Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã được lệnh tăng cường giám sát trong khi Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường về chủ quyền.
Trong một động thái mới nhất liên quan đến ngoại trưởng Mỹ, quan chức quân đội Trung Quốc mong muốn sự thay đổi “tích cực và công bằng” từ phía tân Ngoại trưởng John Kerry, người thay thế bà Hillary Clinton. Trước đó, cựu ngoại trưởng Clinton đã lên tiếng ủng hộ Nhật Bản về chủ quyền của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà sau đó, Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi cuối tuần qua cũng cho biết, Nhật Bản hy vọng hai nước có thể nối lại mối quan hệ song phương bằng một cuộc hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, hai bên vẫn chưa đạt được sự nhất trí chung về việc này.
Nguyễn Thủy
Tổng hợp