Đó là quy định mới trong Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Dự kiến TANDTC, Viện KSNDTC và Bộ Tư pháp sẽ ký ban hành dự thảo Thông tư vào ngày 18-9.
Xác định thiệt hại: Căn cứ thu nhập trung bình
Đáng chú ý trong dự thảo Thông tư là nội dung xác định thiệt hại bồi thường. Dự thảo Thông tư dành cả Chương II để hướng dẫn xác định thiệt hại bồi thường.
Ngoài phần xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (như quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất...), dự thảo Thông tư cũng nêu rõ cách xác định thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
“Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 2 năm liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại. Thu nhập của tổ chức được xác định theo báo cáo tài chính hợp pháp của tổ chức; trường hợp không có báo cáo tài chính, tổ chức có thể chứng minh thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút bằng các tài liệu, chứng cứ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Về cách tính thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của cá nhân, dự thảo Thông tư xác định: Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề của người đó trước khi xảy ra thiệt hại để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại là nông dân, ngư dân, người làm muối, người trồng rừng, người làm thuê...có thu nhập nhưng theo mùa vụ hoặc không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương; nếu không xác định được thu nhập trung bình thì lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
Thời hiệu yêu cầu bồi thường: 2 năm
Dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn các thủ tục giải quyết bồi thường, cách lập hồ sơ yêu cầu bồi thường, gửi đơn và thụ lý đơn yêu cầu bồi thường.
Theo đó, người có yêu cầu bồi thường trực tiếp gửi hồ sơ tại Tòa án có trách nhiệm bồi thường.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì Tòa án đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý cho người yêu cầu bồi thường.
Cũng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người đại diện phải tổ chức việc xác minh thiệt hại.
Việc xác minh thiệt hại được thực hiện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu bồi thường cung cấp. Thời hạn xác minh thiệt hại là 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường.
Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của thẩm phán, Hội đồng xét xử phải hoàn trả khoản tiền đã gây ra thiệt hại. Nếu cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì bị kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo Thông tư, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 2 năm, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị cuối cùng của Chánh án Tòa án. Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bồi thường là TAND cấp huyện.