Hơn 400 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các trường đại học, nhà nghiên cứu, giảng viên và đại diện của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bao gồm các startups, doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ đầu tư,… đã tham dự:
- Hội thảo “KẾT NỐI ĐẠI HỌC - DOANH NGHIỆP”,
- Lễ ra mắt Trung tâm Đổi mới Sáng tạo BK Holdings - Duy Tân (BKH-DTU), và
- Phát động TECHFEST khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN), Chủ tịch Mạng lưới Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Có thể nói vấn đề liên kết giữa Đại học - Doanh nghiệp đã được thực hiện rất nhiều năm nhưng hiệu quả còn rất hạn chế. Trong Hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo gồm 4 thành phần có: Nguồn cung công nghệ đang rất dồi dào từ các trường học, các viện nghiên cứu khi các nhà khoa học có nhiều nghiên cứu tốt, có nhiều bằng sáng chế, từng bước làm chủ công nghệ nền; tuy nhiên, nguồn cầu là các doanh nghiệp lại chưa quan tâm đến nguồn cung có gì, vì thế đã nhập khẩu hoặc mua công nghệ từ ngước ngoài thì rồi lại phụ thuộc mãi vào doanh nghiệp nước ngoài. Về mặt Nhà nước, Chính phủ cũng hết sức nỗ lực trong việc xây dựng các hệ thống pháp lý để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường công nghệ cũng như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bộ KH&CNđã thành lập Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, thành lập Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia,... tuy nhiên, khâu yếu nhất của hệ sinh thái này là khâu định chế trung gian để kết nối giữa nhà trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, bao gồm cả định chế về tài chính, kỹ thuật, tư vấn giám định,...
Tôi đánh giá cao nỗ lực của BK Holdings và ĐH Duy Tân trong việc ra mắt Trung tâm Đổi mới Sáng tạo BK Holdings - Duy Tân (BKH-DTU). Tôi tin tưởng với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố ngay tại thành phố đứng đầu cả nước về Chính phủ Điện tử, về Chuyển đổi Số, về xây dựng Thành phố Thông minh, sự hợp tác giữa ĐH Duy Tân và ĐH Bách Khoa sẽ thành công trong tương lai gần, để từ đó đưa ra thông điệp kết nối giữa Đại học và Doanh nghiệp không quá khó như chúng ta vẫn nghĩ.”
PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Hệ thống Doanh nghiệp BK Holdings khẳng định: “Hơn 65 năm đào tạo kỹ sư và triển khai nghiên cứu, ĐH Bách Khoa luôn đồng hành cùng các trường đại học nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo con đường quốc tế hóa. Thế mạnh của ĐHDuy Tân cùng với BK Holdings ở ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ hướng tới những định hướng cốt lõi trong phát triển của Tp. Đà Nẵng, một thành phố du lịch, dịch vụ, thành phố đáng sống với nền công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Tôi tin rằng Trung tâm do 2 đơn vị thành lập hôm nay sẽ giúp mở rộng, phát triển hơn nữa hệ sinh thái, nhằm phát triển mạnh mẽ nguồn lực, đặc biệt là cầu nối giữa đào tạo và nghiên cứu ở trường đại học với những sản phẩm đáp ứng thị trường và nhu cầu của doanh nghiệp. 4 trụ cột xuyên suốt sẽ bao gồm: Nghiên cứu để chuyển giao công nghệ, Ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp; Đào tạo, tư vấn, cố vấn cho doanh nghiệp; Tổ chức các hoạt động để học sinh, sinh viên, nhà khoa học kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.”
Tại Hội thảo “KẾT NỐI ĐẠI HỌC - DOANH NGHIỆP”, các đại biểu tham dự đã không tránh né những thách thức, khó khăn hay những việc chưa thể thực hiện dù ý tưởng đã được nhen nhóm từ rất lâu trong hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Nhận định rõ ràng về việc các trường đại học chưa phát huy được hết vai trò của mình trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cụ thể là việc nghiên cứu khoa học chưa thực sự gắn liền với nhu cầu của nền kinh tế, chưa có sự ưu tiên và đầu tư tương xứng cho hoạt động đổi mới sáng tạo thương mại hóa và chuyển giao công nghệ hay ngay trong các trường còn thiếu các đơn vị chuyển giao công nghệ, các dịch vụ tư vấn, thương mại hóa kết quả nghiên cứu hay phần lớn các trung tâm và bộ phận thương mại hóa công nghệ tại trường đại học không có tư cách pháp nhân nên khó vay vốn ngân hàng,… dẫn đến kết quả chỉ có dưới 3% kết quả nghiên cứu trong trường đại học được thương mại hóa thành công, sẽ giúp cho các bên Đại học - Doanh nghiệp nhìn nhận lại và có những bước đi mới trong hoạt động “đào tạo - chuyển giao - tiếp nhận” công nghệ trong thời gian tới.
Những ý kiến cụ thể tập trung vào việc cập nhật chính sách, chia sẻ kiến thức, bài học thực tiễn, mô hình hoạt động điển hình trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa chuyển giao công nghệ tại các trường đại học tại Việt Nam, trong đó: thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu và khởi nghiệp trong nhà trường để biến đại học trở thành hạt nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, mở rộng liên kết Nhà trường - Doanh nghiệp chính là những việc làm thiết thực nhất để thúc đẩy sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ cũng như đẩy mạnh sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại khu vực miền Trung.
Vô cùng tâm huyết với hoạt động này, TS. Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân cho biết:“Đổi mới Sáng tạo không còn là chủ đề mới, đặc biệt là khi Chuyển đổi Số đang trở thành xu hướng tất yếu thì chủ đề này lại được hâm nóng nhiều hơn. Vai trò của các trường đại học trong việc thúc đẩy cho sinh viên đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, hay kết nối với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ là vô cùng quan trọng. Và để hoạt động này được phát triển bền vững rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Ngày hôm nay ra mắt Trung tâm Đổi mới Sáng tạo BK Holdings - Duy Tân (BKH-DTU), chúng tôi rất vui mừng và mong muốn góp phần vào công cuộc Chuyển đổi Số chung của cả nước. ĐH Duy Tân kết hợp với ĐH Bách Khoa Hà Nội trong sự kiện hôm nay là trên nền tảng của hợp tác lâu dài với sự biết ơn những hỗ trợ sâu rộng từ nhà trường với những hợp tác đặc biệt trong thời gian gần đây cũng như cách đây khoảng 30 năm, khi ĐH Duy Tân là 1 trong 4 trường ngoài công lập đầu tiên của cả nước đi vào hoạt động với đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo còn nhiều khó khăn thách thức.
ĐH Duy Tân và ĐH Bách Khoa Hà Nội cùng nhau hình thành một Trung tâm Đổi mới Sáng tạo tại miền Trung, với hy vọng lớn sẽ ‘chắp cánh’ thêm cho nhiều sản phẩm trí tuệ. Có một trăn trở của đội ngũ lãnh đạo Duy Tân là dù chúng ta đã triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo rất nhiều, cũng đạt được rất nhiều thành tích, sản phẩm khởi nghiệp, tuy nhiên, vẫn còn mang tính phong trào là chính. Để đi được lâu hơn, dài hơn thì cần phải có một hướng đi mới trong ngay từng trường đại học tại Việt Nam cùng sự đồng lòng và hợp tác giữa các trường và với các doanh nghiệp để đưa đến những thành công và thay đổi mạnh mẽ cho Việt Nam trong thời gian tới.”
Thể hiện quyết tâm cùng chung sức trong việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các đơn vị đã cùng nhau ký kết hợp tác. Trong đó có ký kết giữa:
- ĐH Duy Tân cùng BK Holdings và NSSC,
- Trung tâm Đổi mới Sáng tạo BK Holdings - Duy Tân và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đà Nẵng,
- ĐH Duy Tân và Công ty VINOVA, Tp. Hồ Chí Minh,
- ĐH Duy Tân và Công ty Cổ phần UTO TECHNOLOGY,
- BK Holdings và Enterprise by Design, ĐH Bangor, Vương quốc Anh,
- BK Holdings và Sky World Community,
- BK Holdings, ĐH Duy Tân và Swiss EP.
TECHFEST khu vực miền Trung - Tây Nguyên chính thức được phát động tại Hội thảo nhằm tạo dựng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các bạn trẻ tại địa phương. Chuỗi sự kiện TECHFEST vùng sẽ được tổ chức tại nhiều địa phương khác nhau trên địa bàn cả nước trước thềm sự kiện TECHFEST VIETNAM.