Quyết khơi thông cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

TP - Ngày 21/6, TPHCM tái khởi động việc thi công dự án cầu Tân Kỳ-Tân Quý (quận Bình Tân) sau hơn 5 năm bị “treo”. Đây là một trong những nỗ lực để khơi thông cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý vừa được tái thi công. Ảnh: H.H

TPHCM đặt mục tiêu cuối năm nay sẽ hoàn thành các dự án như cầu và đường Tân Kỳ - Tân Quý, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình)…

Gỡ vướng dự án “treo”

Cầu và đường Tân Kỳ-Tân Quý nằm ở cửa ngõ Tây-Bắc TPHCM, có vai trò kết nối các quận, huyện Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân với khu vực nội thành và sân bay Tân Sơn Nhất. Đầu năm 2018, dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát được khởi công theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 312 tỷ đồng, sau đó nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian thi công, chờ thu phí hoàn vốn.

Ban đầu, công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2018 và dự kiến hoàn vốn sau hơn 9 năm thu phí thông qua trạm BOT An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1 (cách vị trí cầu khoảng 500 m). Đến tháng 12/2018, khi đã thực hiện được khoảng 70% khối lượng thì công trình phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng.

Đến tháng 8/2019, Kiểm toán Nhà nước kết luận việc đưa cầu Tân Kỳ - Tân Quý vào dự án BOT An Sương - An Lạc khi công trình không nằm trên quốc lộ 1 (thuộc dự án BOT này) là không phù hợp. Bên cạnh đó, dự án cầu Tân Kỳ-Tân Quý cũng không phù hợp với Nghị quyết số 437 của Quốc hội (dự án BOT chỉ áp dụng cho các tuyến đường xây mới, trong khi dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý xây dựng trên đường hiện hữu).

Trước việc thực hiện dự án BOT không còn khả thi, cuối tháng 9/2022, UBND TPHCM quyết định dừng, chấm dứt triển khai dự án xây dựng bổ sung cầu mới Tân Kỳ - Tân Quý theo hình thức hợp đồng BOT để chuyển sang đầu tư công. Cuối năm 2022, HĐND TPHCM thông qua việc sử dụng hơn 491 tỷ đồng để hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý.

Theo đó, TPHCM sẽ chi khoảng 230 tỷ đồng để trả chi phí cho nhà đầu tư đã bỏ ra làm cầu và khoảng 261 tỷ đồng đầu tư hoàn thành các hạng mục còn lại. Sau hơn 5 năm bị “treo”, ngày 21/6, dự án cầu Tân Kỳ-Tân Quý chính thức được tái thi công.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông, chủ đầu tư), cho biết, công trình được thi công trong khoảng 6 tháng và hoàn thành ngày 31/12/2024. Sau khi thông xe, cầu Tân Kỳ-Tân Quý cùng với đường Tân Kỳ-Tân Quý đang được nâng cấp mở rộng (dự kiến hoàn thành vào tháng 10) sẽ hình thành trục giao thông kết nối quốc lộ 1 đến trung tâm thành phố và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

“Việc khởi công dự án là kết quả của quá trình các sở, ngành thành phố cùng nhóm công tác liên ngành thực hiện Hợp đồng BOT đoạn An Sương - An Lạc - quốc lộ 1 đã tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, hoàn tất công tác thương thảo chấm dứt hợp đồng BOT với nhà đầu tư trước đây.

Song song với đó là công tác giải phóng mặt bằng di dời tái lập các công trình hạ tầng kỹ thuật, và quá trình triển khai thủ tục đầu tư theo phương thức đầu tư công”, ông Phúc cho biết.

Ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết, dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý là một trong những dự án trọng điểm của thành phố được theo dõi, chỉ đạo bởi tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy. “Quận Bình Tân đã triển khai quyết liệt về công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thu hồi mặt bằng để thực hiện sớm dự án”, ông Kiên nói.

Thời gian qua, quận đã vận động, thuyết phục 43 hộ dân có nhà, đất bị ảnh hưởng bởi dự án để đồng thuận chủ trương dự án và bàn giao mặt bằng. Hiện có 97,6% hộ dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng. Với trường hợp chưa đồng thuận, quận đang tiếp tục vận động.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cầu Tân Kỳ-Tân Quý khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ phát triển hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, cùng với dự án kênh Tham Lương - Bến Cát sẽ giúp thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường. Đây cũng là công trình đầu tiên áp dụng cách làm mới từ hình thức đối tác công tư PPP sang đầu tư công.

Để khởi công dự án, ngành giao thông thành phố đã vượt qua nhiều khó khăn về thủ tục, pháp lý để hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mô hình đầu tư theo hình thức BOT sang hình thức công đúng quy định của pháp luật.

“Tôi đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ sớm đưa dự án vào khai thác. Đồng thời, các dự án xung quanh cũng đẩy tiến độ hoàn thành để sớm hoàn chỉnh, đồng bộ mạng lưới giao thông, chỉnh trang đô thị khu vực phía Tây, giúp kết nối thuận lợi với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Cường nói.

“Cùng với cầu Tân Kỳ -Tân Quý, việc hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ người dân thành phố vào cuối năm nay hàng loạt dự án bao gồm dự án mở rộng đường Tân Kỳ-Tân Quý, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa… sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông, tăng cường khả năng kết nối giao thông trong khu vực”.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án

đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM

Cán đích trong năm nay

Hiện nay, ngoài dự án xây dựng cầu và mở rộng đường Tân Kỳ- Tân Quý, TPHCM cũng đang triển khai các dự án khơi thông cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Ghi nhận của PV Tiền Phong trưa 21/6, hàng chục công nhân cùng thiết bị, máy móc tất bật thi công hầm chui nút giao thông Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình). Công trình này là một phần của dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (kết nối ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất) dài khoảng 4km với 6 làn xe được TPHCM khởi công cuối năm 2022 với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường mới này sẽ kết nối trực tiếp với nhà ga T3 (đang trong quá trình xây dựng), qua đó, phá thế độc đạo ra vào sân bay Tân Sơn Nhất của đường Trường Sơn.

Ông Lương Minh Phúc cho biết, hiện hạng mục hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện đạt hơn 80% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong tháng 8. Toàn dự án hiện đạt hơn 50% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.

Ông Phúc cho biết, đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của thành phố, do đó, từ đầu năm, chủ đầu tư đã tổ chức ký kết giao ước thi đua, đẩy nhanh tiến độ, “thi công 3 ca 4 kíp” và duy trì thi công xuyên lễ, Tết để đảm bảo tiến độ dự án.

Bên cạnh đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, hiện nay dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ cổng doanh trại quân đội tiếp giáp sân bay đến đường Cộng Hòa) với vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng cũng đang chuẩn bị mặt bằng để thi công. Sau khi hoàn thành, đoạn đường khoảng 800m này sẽ được mở rộng từ 8-10m lên 22m.

Theo Ban Giao thông TPHCM, sau khi mở rộng, tuyến đường này sẽ nối hai trục đường Cộng Hòa với đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà để xe ra vào nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất thuận tiện nhất. Chủ đầu tư đặt mục tiêu hoàn thành mở rộng đoạn đường này vào cuối năm nay.