Quyền lợi người lao động ra sao sau khi giảm đóng bảo hiểm bệnh nghề nghiệp?

TP - Bạn đọc Hoàng Văn Hà hỏi: Với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng, doanh nghiệp thành lập sau ngày 1/7/2021 có được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) không, có phải làm thủ tục thanh quyết toán với cơ quan BHXH không? Trong thời gian đơn vị được giảm đóng, quyền lợi của người lao động ra sao? Số tiền được giảm trên đơn vị chi hỗ trợ người lao động thế nào?

TRẢ LỜI:

Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23/2021 của Thủ tướng, đơn vị sử dụng lao động được giảm mức đóng về 0% vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN trong 12 tháng (tới hết tháng 6/2022).

Do đó, doanh nghiệp thành lập mới sau ngày 1/7/2021 cũng được giảm mức đóng Bảo hiểm TNLĐ-BNN.

Các quy định của gói chính sách hỗ trợ này cũng không yêu cầu đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng Bảo hiểm TNLĐ-BNN phải quyết toán với cơ quan BHXH.

Với người lao động, trong thời gian đơn vị nơi mình làm việc được giảm đóng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN theo chính sách trên, người lao động vẫn được hưởng các quyền lợi đầy đủ nếu xảy ra tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp.

Theo quy định, đơn vị sử dụng lao động phải hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ - BNN cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19. Còn hình thức hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể cho người lao động phòng chống dịch COVID-19 ra sao do đơn vị tự xem xét thực hiện.

Mọi thắc mắc của bạn đọc về chế độ BHXH, BHYT, BHTN có thể liên hệ Tổng đài của BHXH Việt Nam để được hỗ trợ trực tiếp, gọi số: 1900.90.68.