'Quặng tặc' lại hoành hành ở Cao Bằng

TP - Nhiều tháng nay, nạn 'quặng tặc' lại hoành hành khắp các địa phương của Cao Bằng.

Nghệ An: Náo loạn trong “cơn lốc” đá đen
> Vào vùng “quặng tặc”

Cách thị xã Cao Bằng chưa tới 4km là các điểm khai thác quặng trái phép Nà Lũng, Nà Đoong thuộc xã Duyệt Chung. Những điểm quặng khai thác trái phép này đều thuộc những cánh rừng thông, rừng phòng hộ được chính quyền địa phương giao cho người dân quản lý.

Các tư thương kéo đến tận cửa rừng thu mua quặng sắt với giá từ 800 đến 900 đồng/kg, khiến nhiều người bỏ cả công việc nương rẫy hằng ngày để vào rừng đào quặng. Một người dân địa phương cho biết trung bình mỗi ngày đào quặng có thể kiếm được vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Đây là nguồn thu quá sức tưởng tượng của những cư dân miền núi vốn nghèo khó như
Cao Bằng.

Tại huyện Hoà An, không chỉ người dân địa phương mà còn cả người ở nơi khác kéo về đua nhau khai thác quặng. Rừng thông Khau Mì- A ( thuộc xã Đức Long) cách đây hơn một năm còn xanh tốt, nay tan hoang vì nạn đào quặng. Riêng ở khu rừng thông này, mỗi ngày có khoảng vài trăm người tham gia đào bới, nhộn nhịp như công trường. Nhiều người dân địa phương cho biết, mặc dù cách tỉnh lộ 204 chừng 2km, nhưng đường vào bãi quặng trước đây rất khó khăn, thấy vậy tư thương đã chở đất rải đường để dễ vận chuyển quặng ra mặt
đường 204.

Tại huyện Nguyên Bình, đường từ thị trấn Nguyên Bình vào bản Nùng và bản Pác Pó (thuộc xã Thể Dục) la liệt quặng đào bới được do những đầu nậu thu gom tập kết từ những bãi quặng nằm cách đó không xa.Ước chừng số lượng quặng (chủ yếu là quặng sắt) khai thác trái phép ở huyện Nguyên Bình mỗi ngày cả trăm tấn. Đêm đến, hàng chục xe tải tư nhân chở quặng ra theo hướng cửa khẩu Phai Can (Trà Lĩnh), tiếp giáp Trung Quốc.

Theo Báo giấy