Quản tiền ảo: Loay hoay đến bao giờ?

TP - Dù được giao nghiên cứu khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số nhưng Bộ Tài chính cho biết chưa có tiền lệ và rất khó thực hiện. Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không nhanh chóng có quy định, sẽ xảy ra “khoảng trống” quản lý tiền ảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Gần 44% người Việt đầu tư tiền ảo thua lỗ

Anh Minh Phước (TPHCM) cho biết, đã tham gia thị trường tiền kỹ thuật số từ năm 2017. Theo anh Phước, khi đó, đồng USDT (đồng USD trên sàn giao dịch tiền ảo) chưa phổ biến nên khi đầu tư vào tiền điện tử nào đều mua qua Bitcoin. Giá Bitcoin năm 2017 ở mức 3.000 USD/Bitcoin, anh Phước chê giá cao và chuyển sang nắm giữ đồng tiền điện tử khác.

“Nhà đầu tư F0 như tôi nghĩ giá Bitcoin quá cao sẽ ít khả năng sinh lời. Tôi đầu tư qua nhiều đồng tiền ảo khác mong sinh lời. Đồng tiền tốt thì trả lãi bằng việc nhân đôi, nhân ba vài tháng rồi mất gốc. Có đồng tiền đã tăng tới 10 - 20 lần nhưng khi thị trường “sập” năm 2018, chúng tôi mất sạch tiền”, anh Phước kể.

Với kinh nghiệm nhiều năm đầu tư tiền ảo, anh Phước nhận định, đa số nhà đầu tư Việt đầu tư theo phong trào, ít kiến thức, vốn mỏng. Vì vậy, khi thị trường biến động, anh Phước rơi vào thua lỗ.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Huy (Hà Nội) kể bản thân anh đã mất hơn 400 triệu đồng khi đầu tư tiền ảo năm 2021. Anh Huy chia sẻ, thời điểm 2021 thấy giá tiền ảo liên tục lập đỉnh, tài khoản bạn bè sinh lời nhanh, anh bỏ ra 400 triệu đồng để mua nhưng giá nhanh chóng giảm xuống, khiến anh bị thua lỗ.

Bitcoin lập mức giá đỉnh nhưng đa số nhà đầu tư Việt thua lỗ. Ảnh minh họa.

“Bitcoin giá trị lớn nên chúng tôi chọn đồng tiền ra đời sau, giá trị thấp hơn với hi vọng tăng giá như Bitcoin. Tôi đầu tư chủ yếu theo kinh nghiệm học từ bạn bè, chứ không tìm thấy chương trình nào bài bản hướng dẫn về thị trường này. Sau thua lỗ, tôi nhận ra, thị trường tiền ảo phức tạp, rủi ro cao”, anh Huy ngậm ngùi.

Dựa trên 1.200 mẫu khảo sát thực hiện vào tháng 12/2023, Coin98 Insights (đơn vị thực hiện khảo sát về thị trường tiền số Việt Nam) cho biết, 64% nhà đầu tư tiền số ở Việt Nam không có lãi. Đặc biệt, gần 44% nhà đầu tư tiền kỹ thuật số thua lỗ trong năm 2023.

Theo Coin98 Insights, phần lớn nhà đầu tư tiền số tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Mức thu nhập phổ biến là 10 - 25 triệu đồng/tháng. Có 48,7% người được hỏi cho biết họ tham gia từ giai đoạn 2020-2022 khi thị trường đang trong chu kỳ tăng trưởng mạnh.

Các lý do khiến nhà đầu tư thua lỗ gồm: tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ cơ hội), không có kế hoạch giao dịch kỹ lưỡng, không phản ứng kịp trước những sự kiện bất ngờ của thị trường, dùng đòn bẩy không hợp lý.

Nhiều đối tượng “vẽ” ra dự án đầu tư tiền ảo để thu hút nhà đầu tư. Họ dụ dỗ nhà đầu tư rót tiền mua đồng tiền ảo, trả lãi, chờ lên sàn để vọt giá. Sau thời gian nhất định, đồng tiền ảo biến mất, nhà đầu tư cầu cứu khắp nơi nhưng không đòi được tiền.

Một trong sàn đầu tư tiền ảo được nhà đầu tư Việt lựa chọn là sàn Binance. Ngày 6/3, sàn Binance có hơn 350 đồng coin, trong đó các đồng tiền kỹ thuật số có giá trị lớn nhất gồm: Bitcoin 66.400 USD, Ethereum 3.810 USD, BNB 409 USD… Ngoài đồng Bitcoin lập mức giá đỉnh, các đồng tiền khác giá trị không cao. Có 11 quỹ đầu tư Bitcoin được thành lập, sở hữu hơn 300.000 Bitcoin. Mỗi quốc gia có cách quản lý khác nhau với tiền ảo; có nước coi tiền ảo như một tài sản để thu thuế, cấp phép giao dịch.

Loay hoay tìm cách quản tiền ảo

Bộ Tài chính cho biết đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý tiền ảo, tài sản ảo. Đến nay, UBCKNN đã lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành. Tuy nhiên, ý kiến góp ý chưa làm rõ phương pháp nghiên cứu, cơ chế tiếp cận để xây dựng khung pháp luật về tiền ảo.

“Khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo là vấn đề khó, có nhiều rủi ro. Một số nước trên thế giới đã công nhận tiền ảo, tài sản ảo và cho giao dịch. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là tài sản. Muốn được giao dịch, tiền ảo phải được công nhận (tài sản), để lập sàn giao dịch, tổ chức giao dịch, đưa ra các quy định pháp lý”, Bộ Tài chính cho biết.

Tại Quyết định số 194 (ngày 23/2/2024) ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo trong tháng 5/2025.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Phan Phương Nam (Đại học Luật TPHCM) cho rằng, dù rất khó nhưng việc quản lý tiền ảo là tất yếu. Việt Nam chưa công nhận tiền ảo nhưng người dân vẫn đầu tư, giao dịch, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Cơ quan chức năng nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế, công nhận tiền kỹ thuật số, tiền ảo là tài sản. Với đặc thù riêng biệt, việc công nhận tài sản đi kèm điều kiện bắt buộc như điều kiện của nhà cung cấp tiền kỹ thuật số phải được cho phép hoạt động tại Việt Nam. Sau khi công nhận là tài sản, cơ quan chức năng từng bước quy định cách thức giao dịch”, TS Nam kiến nghị.

Ông Nam ví von, việc công nhận tiền kỹ thuật số là tài sản cũng giống như xây dựng một cơ thể phải có chân, tay, đầy đủ bộ phận rồi mới tính đến nhan sắc bên ngoài. Nếu không công nhận tiền ảo là tài sản, sẽ khiến loại hình này rơi vào “khoảng trống pháp lý”.

“Việc công nhận tiền kỹ thuật số là tài sản chưa có tiền lệ nhưng cơ quan chức năng cũng không nên quá thận trọng. Chúng ta có thể vừa làm vừa sửa, đến khi có khung pháp lý hoàn chỉnh. Việc công nhận tiền ảo là tài sản như tài sản khác là bình thường và đặt quy định có thể yêu cầu nhà đầu tư chứng minh nguồn tiền đầu tư tiền ảo. Đồng thời, cơ quan chức năng tuyên truyền để người dân tránh hiểu nhầm tiền ảo là phương tiện thanh toán, nhằm tránh rủi ro, biến tướng”, ông Nam nói.