Tối 8/7 vừa qua, trang web của Ủy ban Giám sát Nhà nước - Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đưa tin, Lưu Xuyên Sinh, cựu bí thư Đảng ủy Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đã chủ động đầu thú vì vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng, đang bị điều tra. Việc Lưu Xuyên Sinh năm nay đã hơn 70 tuổi, đã rời chức gần 5 năm, nay ra đầu thú gây xôn xao dư luận.
Thực ra, Lưu Xuyên Sinh không phải là cán bộ diện trung ương quản lý đầu tiên tự nguyện đầu thú trong năm nay. Trước đó, vào tháng 6, Mạnh Vĩnh Sơn, Viện trưởng Kiểm sát tỉnh Thanh Hải, đã được thông báo tự nguyện đầu thú và bị điều tra. Đồng thời, qua xem xét thấy trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - Ủy ban Giám sát Nhà nước từ đầu năm tới nay đã đưa tin 40 cán bộ từ cấp tỉnh trở lên đã ra đầu thú và đang bị xem xét, điều tra.
Những cán bộ vi phạm kỷ luật, pháp luật chọn cách chủ động đầu thú, chứng tỏ tác dụng thúc đẩy “không dám tham, không thể tham, không muốn tham” đã hình thành hiệu ứng và hiệu quả chống tham nhũng đang được cải thiện.
“Tôi lo chuyện sẽ bị bại lộ, tôi thường xuyên không ăn không ngủ được, thường nửa đêm mơ thấy bị cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật bắt đi và sợ toát mồ hôi”. Trong bộ phim giáo dục cảnh báo mang tên “Lạc đường” được phát sóng gần đây, Lê Gia Tùng, cựu bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Chính Hiệp Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam đối mặt với máy quay, thẳng thắn nói lý do ra đầu thú là “sợ hãi”.
Từ tháng 12/2001 đến tháng 5/2020, Lê Gia Tùng đã lợi dụng chức vụ và ảnh hưởng vị trí của mình để nhận tiền và của cải từ hơn 60 cán bộ lãnh đạo huyện, thị trấn... tổng số tiền lên đến hơn 3 triệu Nhân dân Tệ (NDT).
Ngoài việc nhận hối lộ của cấp dưới, ông ta còn sẵn sàng để các ông chủ tư nhân “vây săn”, nhúng tay vào các lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, xây dựng đô thị và phát triển bất động sản, đồng thời lợi dụng chức vụ để “bật đèn xanh” cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp; can thiệp, đánh tiếng trong các lĩnh vực; mưu lợi không chính đáng cho các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển bất động sản.
Vào tháng 5/2020, trước áp lực và sự răn đe mạnh mẽ, cuối cùng Lê Gia Tùng đã quyết định chủ động ra đầu thú, khai ra hành vi vi phạm kỷ luật và pháp luật mà tổ chức chưa nắm được. Qua điều tra, ông ta đã nhận hối lộ 12.285.000 NDT, 1 triệu đô la Hồng Kông (HKD), 60.000 USD và 1,5kg vàng, có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ. Tháng 10/2020, Tùng bị khai trừ đảng và cách chức, chuyển sang cơ quan kiểm sát để xem xét và truy tố theo quy định của pháp luật.
Nhưng người tự nguyện đầu thú không giới hạn trong một vùng hay một lĩnh vực. Phân tích hơn 40 cán bộ đã ra đầu thú được đưa tin trong năm nay, có thể thấy những người này không chỉ bao gồm cán bộ lãnh đạo của các cơ quan đảng, chính quyền mà còn có cả cán bộ quản lý các doanh nghiệp nhà nước; xét về độ tuổi thì có cả cán bộ tại chức và một số đã nghỉ hưu.
Điều đáng chú ý là trong số cán bộ có vấn đề tự nguyện đầu thú năm nay, xuất hiện nhiều cán bộ thuộc hệ thống chính trị pháp luật. Ví dụ, cùng ngày Mạnh Vĩnh Sơn tự nguyện đầu thú, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Hắc Long Giang đã thông báo Cao Vĩ Lợi, Viện trưởng Kiểm sát thành phố Giai Mộc Tư cũng đã tự nguyện đầu thú và chấp nhận bị điều tra. Vào tháng 5, Dương Ngọc Tuấn, Viện trưởng, Bí thư Viện kiểm sát nhân dân quận mới Phố Đông Thượng Hải; Hòang Thiên Sinh, Ủy viên Thường vụ kiêm Bí thư Ủy ban chính trị pháp luật thành phố Vân Phủ, tỉnh Quảng Đông và Huệ Tùng Băng, Phó bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật tỉnh ủy Sơn Đông, cũng đã chủ động đầu thú…
Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc khóa 19 nhấn mạnh đến việc tăng cường xử lý hành vi tham nhũng trong hệ thống chính trị và pháp luật, nghiêm trị những kẻ lạm quyền, chà đạp pháp luật. Một loạt cán bộ bị điều tra và xử lý như Cam Vinh Khôn, tỉnh ủy viên, Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật tỉnh Hà Nam; Phó tỉnh trưởng và Giám đốc Sở Công an tỉnh Sơn Tây Lưu Tân Vân... đã tạo nên sức răn đe mạnh mẽ.
Ngoài việc chủ động đầu thú sau khi được giáo dục cảnh báo, việc cán bộ có vấn đề tập trung chủ động giải thích vấn đề cũng ngày càng phổ biến.
Ngày 17/5, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh ủy Vân Nam thông báo, Đổng Thụy Chương, Ủy viên Thường vụ thành ủy kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Côn Minh, đã chủ động đầu thú vì vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Trước đó 1 tháng, Lý Bình Ủy viên thường vụ kiêm phó tổng giám đốc và Hòa Trí Quân, phó tổng giám đốc đều đã tự nguyện ra đầu thú. Ngoài ra, 25 cán bộ quản lý khác của công ty đã chủ động báo cáo giải thích vấn đề với tổ chức.
28 người đã chủ động đầu thú hoặc giải thích vấn đề là kết quả của việc nhấn mạnh vào việc phối hợp sử dụng các biện pháp răn đe kỷ luật và khơi gợi chính sách, đồng thời cũng là biểu hiện cải thiện sinh thái chính trị của đơn vị.
Đối với những đảng viên, cán bộ tự giác đầu thú, giải trình trung thực sự việc, cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật các cấp sẽ truy tìm sự thật, xử lý khoan hồng, đề xuất các hình phạt nhẹ hơn hoặc các cơ quan tư pháp giảm mức án theo đúng thủ tục.
Điều đáng chú ý là trong số những cán bộ tự nguyện ra đầu thú, một số rất ít giả danh tự nguyện đầu thú, nhận tội hối cải, để đối phó với việc bị điều tra. Ví dụ như Lý Bính Huy, nguyên Cục phó Lâm nghiệp huyện Huệ Trạch, thành phố Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam “đầu hàng giả” và “nói ít không nói hết”; Đặng Trường Minh, Bí thư đảng ủy kiêm Cục trưởng Môi trường Ngô Châu, tỉnh Giang Tây sau khi đầu thú chỉ khai ra một số tình tiết vi phạm kỷ luật và pháp luật nhẹ, còn những vấn đề nghiêm trọng thì không đề cập đến. Kết quả, những kẻ “giả đầu hàng” này đều bị trừng phạt nặng hơn.