Quằn quại một dòng Lô: Lộ ra nhiều bất cập

TP - Cát tặc hoành hành nhiều năm khiến dư luận địa phương bất bình, bức xúc nhưng thay vì sự vào cuộc ráo riết, xử phạt thì lực lượng hành pháp ở đây kêu khó.
Tàu cát khai thác trên địa bàn thị trấn Đoan Hùng, Phú Thọ

Lách luật để khai thác cát

Trao đổi với Tiền Phong, Thượng tá Lê Minh Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, năm 2019, lực lượng này phát hiện, xử lý 7 vụ vi phạm trong khai thác cát với 7 đối tượng, tổng tiền phạt 1,3 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm 2020, Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh này xử phạt 4 vụ vi phạm với 4 đối tượng, tổng tiền phạt 257 triệu đồng.

Theo ông Thanh, Phòng Cảnh sát môi trường chỉ xử lý các lỗi như khai thác vượt ngoài mốc giới, trái phép, vượt độ sâu. Tuy nhiên, với việc vượt độ sâu, theo ông này rằng rất khó vì họ không có máy đo đạc như của Sở Tài nguyên và Môi tường. “Ví dụ cho phép khai thác độ sâu tối đa 5m nhưng họ khai thác hơn 6m. Việc này chỉ có Sở Tài nguyên và Môi trường mới có máy bắn, đo đạc được”, Thượng tá Lê Minh Thanh cho biết.

Bàn về thủ đoạn của cát tặc, vị trưởng phòng cho biết, các đối tượng thường lợi dụng khu vực chưa cấp phép, khu vực đã thu hồi mỏ, khu vực giáp ranh giữa các mỏ, hoặc khu vực giữa dòng giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang để khai thác. Chưa kể, một số đối tượng còn lợi dụng việc thỏa thuận mua bán đất hoa màu ven sông với người dân để khai thác cát trái phép, lén lút vào ban đêm. Trong khi, trang bị phương tiện để phục vụ bắt giữ như tàu, thuyền của lực lượng này, theo ông Thanh còn rất hạn chế.

Một kẽ hở được giới khai thác cát hay “dụng võ” là chở cát bằng các tàu, thuyền có tải trọng dưới 50m3 để khỏi bị tịch thu phương tiện, chỉ xử phạt hành chính. Theo vị trưởng phòng, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản còn bất cập, chế tài xử lý chưa đủ tính răn đe. “Chẳng hạn, điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP quy định hành vi khai thác cát sỏi trái phép từ 50m3 trở lên mới bị tịch thu tang vật, phương tiện. Quy định này tính răn đe không cao và tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm tìm cách “lách luật”. Chúng tôi đã kiến nghị cả Cục Cảnh sát môi trường về các kẽ hở này. Một số đối tượng lợi dụng mua xà lan không đăng ký biển tên, thuê mượn phương tiện để khai thác cát trái phép. Do đó khi bị phạt, chúng chỉ nộp tiền, sau thời gian tạm giữ công an phải trả lại cho chủ sở hữu, thực ra là trả lại cho chúng. Chưa kể, nhiều vụ việc giải quyết các đối tượng kéo dài, không nộp tiền phạt. Bến bãi, khu vực trông giữ tang vật, phương tiện vi phạm không có nên khó quản lý, trông coi”, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh Phú Thọ phân trần.

Đối với xử phạt hành vi không đăng ký tên, biển số tàu thuyền, biển cảnh báo, mốc giới…theo vị thượng tá các văn bản hướng dẫn luật khoáng sản không có, tuy nhiên tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký với Sở Xây dựng.

Để bắt được cát tặc, theo Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Phú Thọ, các trinh sát phải xuống dưới cầu Việt Trì đi nhờ xà lan chở cát từ phía bờ Vĩnh Phúc sang. Nếu đi ô tô, ca nô bị lộ ngay, các đối tượng báo động cho nhau. Chưa kể, muốn xử lý được cát tặc phải bắt được quả tang, giữ được tàu chở cát vì theo vị trưởng phòng có tàu chở mới có mua bán, còn tàu cuốc chúng có thể lấy cớ chỉ nạo vét sông, múc đất bùn đổ đi, chưa đủ yếu tố cấu thành hành vi.

Chưa phối hợp đồng bộ

Tiền Phong đề nghị Phòng Cảnh sát Môi trường cung cấp cụ thể các vụ việc, danh sách Cty và các đối tượng bị xử phạt. Tuy nhiên đơn vị này chỉ cung cấp số liệu hết sức ngắn gọn với số vụ bị bắt, số tiền bị phạt. “Số liệu không thể đầy đủ hết vì các huyện, thành phố cũng có thẩm quyền xử phạt, kể cả Cảnh sát giao thông đường thủy. Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng giao cho cả Phòng Cảnh sát Kinh tế kiểm tra, xử phạt”, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Phú Thọ cho biết thêm.

Khi được hỏi có hay không tình trạng bảo kê, tình trạng khai thác cát trái phép? Thượng tá Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường khẳng định: “Không có tình trạng bảo kê”.

Cùng cung cấp thông tin liên quan đến khai thác cát sỏi, Thiếu tá Triệu Văn Tuyên, Đội trưởng CSGT đường thủy (Phòng CSGT tỉnh Phú Thọ) cho biết: Từ đầu 2019 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy Phú Thọ phát hiện, bắt giữ 12 vụ việc với 15 đối tượng, tạm giữ 16 phương tiện thủy, 105m3 sỏi, 945m3 cát, lập hồ sơ ban đầu bàn giao cho các đơn vị chức năng xử lý, giải quyết theo thẩm quyền.

Đáng chú ý, theo ông Tuyên, trong tháng 1/2020 cao điểm, đơn vị này xử phạt 131 trường hợp liên quan đến các lỗi như không kẻ biển số đăng ký, chở hàng quá vạch, kẻ số đăng ký phương tiện không đúng quy định. Ngoại trừ tháng 2 trúng Tết Nguyên đán, từ cuối tháng này đến giữa tháng 3, lực lượng trực thuộc cũng xử phạt hơn chục trường hợp liên quan đến các lỗi không có biển số, không kẻ vạch dấu mốc nước, chở cát sỏi quá tải…

Ông Tuyên cũng thừa nhận, do địa bàn sông nước phức tạp, giáp ranh nhiều tỉnh, trang bị phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu công tác nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.

Báo cáo của Đội Cảnh sát giao thông đường thủy Phú Thọ cũng chỉ ra sự phối hợp của các ngành, các cấp liên quan còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Do vậy, hiện nay nhiều bến bãi trên tuyến sông hoạt động còn lộn xộn, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.