Hôm 24/9, Thủ tướng Pashinyan đã đặt câu hỏi về “mục tiêu và động cơ của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh” trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở khu vực này.
Ông Pashinyan cáo buộc “các đồng minh mà chúng tôi tin cậy trong nhiều năm” đã “đặt mục tiêu vạch trần điểm yếu của chúng tôi”, nhưng không nêu cụ thể quốc gia nào. Ông cho rằng sự leo thang ở Nagorno-Karabakh và những mối nguy hiểm mà người Armenia ở đó phải đối mặt “không liên quan gì” đến chính phủ của ông.
“Tất cả chúng ta đều thấy rõ rằng các công cụ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và quan hệ đối tác chiến lược Armenia - Nga là không đủ để đảm bảo an ninh quốc gia của Armenia”, thủ tướng nói.
Bộ Ngoại giao Nga hôm 25/9 cho biết “các cuộc công kích trực tiếp và gián tiếp nhằm vào Nga” trong tuyên bố của Thủ tướng Pashinyan cho thấy rằng “các quá trình lấy cảm hứng từ phương Tây và được khuyến khích bởi Yerevan không phải là lẻ tẻ mà có tính chất hệ thống”.
Theo bộ này, chính phủ ở Yerevan cố tình tìm cách đẩy Armenia rời xa Nga, đồng thời cảnh báo rằng trong khi hai quốc gia hậu Xô Viết có “những lợi ích chung trong các lĩnh vực an ninh và phát triển”, thì phương Tây chỉ tìm cách “gây thiệt hại chiến lược cho Nga” và “gây bất ổn cho khu vực Á - Âu”.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mátxcơva luôn cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình với tư cách là một đồng minh và đóng góp tích cực cho sự phát triển an ninh, kinh tế và văn hóa của Armenia. Những nỗ lực của Nga và Tổng thống Vladimir Putin đã giúp Yerevan tránh được “thất bại hoàn toàn” trong cuộc xung đột năm 2020 với Azerbaijan, đồng thời Nga đã làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn có thể được sử dụng làm cơ sở để giải quyết tình hình xung quanh khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh trong tương lai.
Nhưng thay vì tuân thủ thỏa thuận do Nga làm trung gian, ông Pashinyan “quay sang phương Tây và công nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với khu vực tranh chấp trong các cuộc đàm phán ở Praha và Brussels”. Bộ Ngoại giao Nga giải thích: “Những hành động này của Yerevan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thỏa thuận mà Mátxcơva giúp đạt được, cũng như tình trạng của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được cử đến Nagorno-Karabakh như một phần của thỏa thuận đó.”
Armenia “đã đánh mất thời gian quý báu mà lẽ ra có thể được sử dụng để thúc đẩy các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình giữa Yerevan và Baku cũng như thực hiện việc phân định biên giới và mở khóa các kênh liên lạc khu vực” mà lẽ ra sẽ cùng nhau tạo ra những đảm bảo an ninh bổ sung cho chính Armenia, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
“Chúng tôi tin rằng chính phủ ở Yerevan đang mắc sai lầm lớn khi tìm cách làm suy yếu mối quan hệ phức tạp và kéo dài hàng thế kỷ giữa Armenia và Nga, cũng như biến quốc gia của họ trở thành con tin trong trò chơi địa chính trị của phương Tây”, bộ này ra tuyên bố.