> Doanh nghiệp khát lao động, công nhân...xin thất nghiệp
Quá tải
Sáng 18-4, tại các bàn tiếp nhận đăng ký làm BHTN ở 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh không còn chỗ trống.
Theo phòng đăng ký BHTN, từ đầu năm đến nay, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 500-600 người đến đăng ký khiến tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng.
Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Phó GĐ Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, số người đăng ký BHTN ngày càng tăng. Không chỉ ở trung tâm mà tại 5 đơn vị khác ở các quận - huyện, mỗi ngày cũng tiếp nhận khoảng 1.000 người đến đăng ký.
Nguyên nhân do tình trạng khó khăn của kinh tế khiến doanh nghiệp phá sản, giải thể nhiều, làm cho lượng người thất nghiệp tăng lên.
Báo cáo của Sở LĐTB&XH TPHCM cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay tại TPHCM có gần 29.000 người lao động đăng ký thất nghiệp, trong đó gần 17.000 người đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 9.000 người so với năm ngoái.
Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, trong 3 tháng đầu năm nay, gần 16.000 người lao động được BHXH giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Dự báo, tỷ lệ thất nghiệp còn tăng cao trong thời gian tới, khi số doanh nghiệp chuẩn bị làm hồ sơ giải thể, phá sản tăng lên và việc cắt giảm lao động ở các công ty nhiều hơn.
Cơ quan bảo hiểm lo ngại việc xác minh đối tượng thất nghiệp rất khó khăn. Một cán bộ BHXH TPHCM cho biết đã xuất hiện tình trạng thất nghiệp ảo, có nghĩa sau 15 ngày nghỉ việc thì làm thủ tục đăng ký hưởng BHTN nhưng thực tế người lao động đã làm ở chỗ mới.
“Nhiều người bị kỷ luật hay nhảy việc để có lương cao hơn cũng đổ xô đi đăng ký hưởng BHTN là một nghịch lý”, cán bộ này nói.
Lao đao
Tháng nào cũng bị trừ tiền lương đóng BHTN, nhưng 7 ngày sau khi Cty Waekwang Vina (100% vốn Hàn Quốc đóng ở huyện Hóc Môn), ngưng hoạt động, anh Hoàng Công Sơn, 32 tuổi, đến Trung tâm Giới thiệu việc làm ở quận Bình Thạnh để đăng ký BHTN thì mới hay phải có sổ BHXH mới đăng ký được.
Tuy nhiên, theo thời hạn 15 ngày sau phải nộp hồ sơ kèm theo BHXH nơi đây mới làm thủ tục, nhưng đợi mãi anh Sơn cũng không biết sổ của mình đang ở đâu.
Hỏi ra, anh Sơn mới biết, lâu nay lãnh đạo Cty không đóng BHXH cho mình nên bảo hiểm TPHCM cũng không có cơ sở để trả sổ.
Không chỉ anh Sơn, hàng trăm công nhân của công ty này cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi quá hạn nhiều tháng nay nhưng sổ BHXH vẫn không biết đang ở đâu.
Chị Hoàng Thị Mai, công nhân Cty Thanh Phong Vina ở quận 12, cho biết sau khi công ty phá sản, đã đến đơn vị đăng ký BHTN nhưng nơi đây yêu cầu phải lấy sổ BHXH để làm hồ sơ.
Chạy đi nhiều nơi để hỏi sổ, chị Mai mới biết công ty còn nợ BHXH nên không thể lấy sổ.
Đáng buồn hơn là tình trạng của hàng trăm công nhân của Cty Nam Hoa ở quận 12 vì ông chủ bỏ trốn nhưng công nhân không biết.
Chị An, công nhân công ty này giờ đã làm việc tại Cty Copal ở quận 7, nói: “Mọi ngày công việc vẫn diễn ra bình thường.
Trước một ngày, công ty tuyên bố phá sản và ông chủ trốn biệt, tụi em vẫn đi làm mà không ai hay biết”. Không lấy được BHXH, mặc dù thất nghiệp thực sự, nhưng chị An không được trợ cấp.
Sáng 18-4, khi đến Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM quận Bình Thạnh đăng ký BHTN, nhiều người cũng ra về với yêu cầu phải có sổ BHXH.
Chị Hồng Anh, công nhân Cty Quang Sung Việt Nam ở quận Gò Vấp, cho biết, nhân viên BHTN nói khi công nhân nghỉ việc, công ty có trách nhiệm chốt sổ BHXH cho người lao động đúng hạn, nhưng khi nhân viên nghỉ việc hỏi công ty sổ đâu họ bảo “cứ từ từ” sẽ cấp.
Đợi mãi không thấy công ty phát sổ, cuối cùng nghe tin ông chủ đã bỏ trốn, tiền BHTN không đóng.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết, tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH đang gia tăng tại TPHCM. Theo ông Sang, từ năm 2011 đến nay có trên 15.000 doanh nghiệp nợ BHXH của hàng trăm nghìn lao động với số tiền gần 400 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có gần 1.200 doanh nghiệp nợ BHXH từ 1 tháng trở lên, trong đó có 81 doanh nghiệp nợ BHXH trên 12 tháng, với số tiền nợ gần 20 tỷ đồng.
“Nhiều đơn vị nợ kéo dài nhiều năm khiến cho người lao động dù thất nghiệp vẫn không được trợ cấp vì không có sổ BHXH”, ông Sang nói.
Báo cáo của Cục Thuế TPHCM cho biết, trong quý I-2012 có 5.012 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động, trong đó có 1.198 doanh nghiệp được cho là bỏ trốn và mất tích. Cục này cho hay, 1.725 doanh nghiệp đang chờ thủ tục phá sản và giải thể, chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản và thương mại. Theo BHXH TPHCM, đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng thất nghiệp gia tăng và dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Hà Nội, Đồng Nai: Thất nghiệp tăng từng ngày
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng BHTN - Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, cho biết, trong quý 1-2012, số lao động ở Thủ đô đến đăng ký thất nghiệp là 4.667 người, tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tháng 4, tình hình lao động đăng ký thất nghiệp tiếp tục tăng cao. Tính đến hết ngày 17-4, có 2.916 lao động đến đăng ký thất nghiệp. “Tuần một của tháng 4 có 549 người tuần bốn có 660 người đăng ký thất nghiệp.
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Đồng Nai, cho biết, ba tháng đầu năm 2012, tỷ lệ người lao động đăng ký BHTN tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Có trên 8.000 hồ sơ đăng ký hưởng BHTN, trong đó có 4.457 hồ sơ đã được chi trả với số tiền trên 26,3 tỷ đồng. - Phong Cầm - Đức Minh