Yagi được nhận định là siêu bão lớn nhất trong 70 năm qua gây nên thiệt hại nghiêm trọng cho 25 tỉnh thành miền Bắc, với tổng giá trị ước tính lên tới 81.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính thì thiệt hại được bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 12.800 tỷ đồng, tương đương 16% tổng số thiệt hại. Thiệt hại chủ yếu do bão gây ra là tài sản, kỹ thuật, chiếm hơn 96%, tiếp theo là bảo hiểm xe cơ giới (1,74%).
Tính đến ngày 6/12/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã ghi nhận hơn 14.600 vụ tổn thất, với ước tính thiệt hại là 11.461 tỷ đồng. Số tiền tạm ứng từ các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 471 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, Bảo hiểm PVI đã tạm ứng gần 70 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại. Mức tạm ứng cao nhất lên tới 10 tỷ đồng cho Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal tại Hải Dương, nơi nhà xưởng bị tốc mái, làm hư hại nhiều máy móc và gián đoạn sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Tài chính Pacific Crystal, cho biết: “Khoản tạm ứng giúp chúng tôi thanh toán cho nhà thầu sửa chữa, khôi phục sản xuất và đảm bảo việc làm cho nhân viên”. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ Bảo hiểm PVI, Pacific Crystal đã phục hồi 50% sản xuất sau một thời gian ngắn.
Cũng nhờ mua bảo hiểm 100% cho toàn bộ nhà xưởng, nhà máy sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi Japfa Comfee Việt Nam đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại do bão. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Tài chính Cấp cao khu vực miền Bắc, cho biết nếu không có bảo hiểm, nhà máy sẽ khó phục hồi ngay, phải mất nhiều thời gian hoặc thu hẹp sản xuất.
“Quan trọng là chọn đơn vị bảo hiểm uy tín và tư vấn chuyên nghiệp”, bà Hà chia sẻ.
Đại diện Bảo hiểm PVI cho biết, bão Yagi đã đặt ra một thử thách lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng cũng là “ngọn lửa thử vàng” để các doanh nghiệp bảo hiểm chứng minh năng lực và uy tín trong việc đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn.
Bảo hiểm PVI đã ký kết các hợp đồng nguyên tắc với các Công ty giám định độc lập có chất lượng cao nhất tại thị trường Việt nam, đồng thời có hợp tác thường xuyên với các chuyên gia chuyên ngành quốc tế hỗ trợ về mặt kỹ thuật đánh giá thiệt hại và đưa ra các ý kiến tư vấn về phương án khắc phục, phục hồi thiết bị máy móc công nghệ cao. Do vậy, trong bất kỳ loại hình tổn thất nào thì Bảo hiểm PVI đều có thể chủ động triển khai các phương án, phối hợp với các bên liên quan để xác định giá trị thiệt hại một cách nhanh chóng và chính xác phục vụ cho công tác giải quyết bồi thường nhanh cho khách hàng.
Về quy trình thủ tục, Bảo hiểm PVI đã đơn giản hóa các bước, ưu tiên bồi thường cho các trường hợp khẩn cấp, phối hợp chặt chẽ với các nhà bảo hiểm hàng đầu và chính quyền địa phương trong công tác cứu trợ và xác định thiệt hại. Bảo hiểm PVI cũng cung cấp hướng dẫn bồi thường chi tiết và đầy đủ, đảm bảo tuân thủ các quy định về dự phòng nghiệp vụ của Bộ Tài chính và kiểm soát chi phí giám định ở mức hợp lý.
"Với việc triển khai các giải pháp kịp thời và đồng bộ, chúng tôi đã nhanh chóng kiểm soát tình hình, hỗ trợ khách hàng khắc phục tổn thất và ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả," đại diện công ty cho biết.
Cơ hội thị trường
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có tiềm năng phát triển lớn. Theo chiến lược phát triển của Chính phủ, mục tiêu đến 2025, quy mô ngành bảo hiểm sẽ đạt 3-3.5% GDP. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ bảo hiểm (bao gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ) mới chỉ đạt 2.2%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ASEAN (3.35%), châu Á (5.37%) và thế giới (6.3%).
Theo đánh giá trong ngành, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, với dự báo tỷ lệ tăng trưởng phí bảo hiểm đạt 8.3% mỗi năm trong 5 năm tới.
Trong 9 tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng gần 12.8% so với cùng kỳ năm ngoái, phục hồi sau mức tăng thấp 3% của năm 2023.
Các công ty trong Top 6 đều có sự tăng trưởng tích cực như Bảo Việt (tăng 5.2%), Bảo Minh (14.3%), MIC (7.8%) và Vinashin (14.7%). Riêng PVI dẫn đầu đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành với mức tăng trưởng phí gốc là 27% trong cùng kỳ.
Nhìn lại con số thiệt hại do bão Yagi gây ra, với mức thiệt hại được bảo hiểm chỉ chiếm 16% tổng số thiệt hại, có thể thấy rõ rằng nếu không có bảo hiểm, cả nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Trong bối cảnh thiên tai ngày càng khó lường và tần suất xảy ra ngày càng cao, bảo hiểm đóng vai trò là lá chắn cần thiết, giúp doanh nghiệp và người dân bảo vệ tài sản, giảm thiểu rủi ro và nhanh chóng phục hồi sau các thảm hoạ thiên nhiên.
Với cách hành xử chuyên nghiệp trong xử lý tổn thất bão lần này, các doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào ngành bảo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai và biến đổi khí hậu phức tạp. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mới cho các doanh nghiệp bảo hiểm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế./.