Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu bức xạ y tế Obninsk của Nga ứng dụng tế bào gốc để có thể chữa trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ ở cấp độ nguy hiểm.
Thông thường, để loại bỏ căn bệnh chết người này, các bác sỹ hay dùng phương pháp ghép tủy xương BMT, nhưng phương pháp này rất tốn kém, cần thời gian dài, hiệu quả lại không cao. Hơn nữa, việc tìm kiếm người hiến tủy không phải chuyện đơn giản.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Nga cho thấy, biện pháp cấy tế bào gốc đặc biệt, tế bào gốc trung mô hay MSC, có nhiều trên các bộ phận cơ thể như sụn, xương, tủy, chất béo, tế bào não, cho hiệu quả nhanh hơn, cũng như ít tốn kém hơn hẳn.
Giáo sư Anatoly Konoplyannikov, thuộc Trung tâm nghiên cứu bức xạ y tế Obninsk, trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Nga: “Tế bào gốc trung mô có rất nhiều lợi tích. Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng rất dễ thích nghi và phổ biến, kiểu như nhóm máu O vậy. MSC có thể thích ứng với bất kỳ môi trường cấy ghếp nào. MSC được nhà khoa học Xô-viết, Alexander Friedenstein phát hiện từ năm 1970, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu MSC kể từ đó”.
Trong phòng thí nghiệm, MSC được thu gom bằng cách đưa một lượng tủy xương nhỏ vào môi trường đặc biệt. Sau tám ngày, các tế bào tủy xương được nhân lên, keo hợp thành khối có thể sử dụng được.
Hiện tại, Obninsk cũng dự trữ được một số lượng MSC vừa đủ, có thể cung cấp cho bất kỳ trường hợp bệnh nhân phơi nhiễm nghiêm trọng nào. “Sẽ phải mất vài ngày để chuyển MSC tới Nhật Bản trong trường hợp nhiễm phóng xạ nghiêm trọng. Tôi mong rằng, đồng nghiệp ở Nhật Bản sẽ không bao giờ cần tới liệu pháp này”, ông Anatoly nói.
Nhiều thí nghiệm tại Obninsk đã khẳng định, hiệu của của biện pháp truyền MSC vào cơ thể bệnh nhân nhiễm phóng xạ nặng là rất khả thi, chúng có thể loại bỏ lượng bức xạ gây đến tử vong.
Hiện tại, các MSC được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân tiểu đường, đau tim, suy tim, thiếu máu và đột quỵ.
Gia Bảo
Theo Oristem