Phương án mở cửa trường học 'vùng xanh' ở TPHCM

TP - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM vừa đề xuất về phương án tái mở cửa trường học tại các "vùng xanh", đồng thời xây dựng bộ tiêu chí an toàn trường học để chuẩn bị cho việc mở lại cửa trường học.
Học sinh TPHCM trở lại trường sau đợt dịch năm 2020

Các trường tự xây dựng phương án

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở đã xây dựng và trình UBND thành phố đề án tái mở cửa trường học. Theo đó, đối với bậc học mầm non, Sở đề xuất thời gian đầu không tổ chức ăn sáng và bố trí thời gian đưa, đón trẻ lệch giờ. Đối với bậc giáo dục phổ thông và thường xuyên, tận dụng tối đa khoảng thời gian vàng: ưu tiên các lớp nhỏ 1, 2, đầu cấp và cuối cấp. Sở giao cho từng trường xây dựng phương án đi học lại căn cứ vào điều kiện thực tế; thời gian đầu sẽ chia nhỏ lớp, chỉ bố trí học 1 buổi, ưu tiên lớp 1, 2, 9, 12 đi học trước, sau đó đến các lớp 5, 6, 10. Những cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể bố trí nội trú cho giáo viên và học sinh theo phương án "3 tại chỗ" để dạy học trực tiếp.

Sở GD&ĐT cũng xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với các cơ sở giáo dục. Bộ tiêu chí này sẽ là cơ sở để đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, từ đó đưa ra quyết định có được phép dạy học trực tiếp hay không. Sở đã đề xuất 2 bộ tiêu chí trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với các cơ sở giáo dục, đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông. Mỗi bộ tiêu chí sẽ có 10 tiêu chí thành phần, mỗi tiêu chí thành phần có tối đa 10 điểm.

Các tiêu chí chính gồm: Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho giáo viên, cán bộ, nhân viên; Số lượng học sinh, giáo viên, công nhân viên… tập trung tối đa trong một thời điểm; Khoảng cách học sinh, giáo viên, nhân viên… tập trung trong phòng chăm sóc, phòng làm việc từ 1 mét trở lên; khoảng cách học sinh, giáo viên, nhân viên… tập trung ngoài phòng chăm sóc, phòng làm việc từ 2 mét trở lên; Học sinh, giáo viên, nhân viên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn: Tổ chức hoạt động bán trú, căn tin, xe đưa rước…

Từ những tiêu chí trên, các trường thực hiện việc đánh giá để đưa ra phương án cho học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT thành phố, việc mở cửa trường học trở lại sẽ phải tuân theo một số yêu cầu như các địa phương phải được xác định an toàn trong phòng chống dịch COVID-19; cơ sở giáo dục phải được đánh giá an toàn theo bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học; chỉ tổ chức cho những học sinh trong địa phương và trên tinh thần tự nguyện. Ông Lê Hoài Nam cho biết, khi quay trở lại trường, các trường sẽ kích hoạt luôn bộ tiêu chí mới này.

“Vùng xanh” tái mở cửa trường học

Các địa phương trong "vùng xanh" cũng đang chuẩn bị kế hoạch tái mở cửa trường học. Ngày 24/9, ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện uỷ Cần Giờ cho biết, huyện đang xây dựng phương án tổ chức dạy học trực tiếp tại các trường đủ điều kiện để trình UBND thành phố và Sở GD&ĐT phê duyệt. Dự kiến, từ ngày 1/10, huyện triển khai giai đoạn 1 kế hoạch phòng chống COVID-19, phục hồi kinh tế, nới dần một số hoạt động theo lộ trình trong đó có giáo dục. Huyện sẽ rà soát điều kiện từng trường học, số lượng giáo viên được tiêm vắc-xin đủ 2 mũi và tham khảo ý kiến phụ huynh. "Muốn học sinh trở lại phải tuỳ vào tình hình kiểm soát được dịch của địa phương, quan trọng là có phương án đảm bảo an toàn cho các em. Trước tiên huyện sẽ ưu tiên cho khối lớp 1, 2, đầu cấp và cuối cấp", ông Dũng cho biết.

Song song với việc mở cửa dạy học trực tiếp, các trường vẫn tiếp tục tổ chức dạy học trên Internet, qua truyền hình... để đáp ứng yêu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp cũng như hỗ trợ cho việc học trực tiếp.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, Cần Giờ có hơn 13.100 học sinh từ tiểu học đến THPT tại 26 trường. Huyện có khoảng 1.400 giáo viên, nhân viên trường học, trong đó 98% đã được tiêm vắc-xin. Nếu đề xuất được thực hiện, Cần Giờ là địa phương đầu tiên ở TPHCM tổ chức dạy học trực tiếp. Cần Giờ đã đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, dần cho phép mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.