> Đau đầu chọn trường cho con vào lớp 1
> Xót lòng cảnh học sinh vượt suối đến lớp
Chiều qua, 25/3, lãnh đạo một số Vụ chức năng Bộ GD&ĐT đã trao đổi với báo chí về vấn đề liên quan tới việc cho trẻ em học thêm trước khi vào lớp 1.
Không nên dạy học cho trẻ trước lớp 1
Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD&ĐT, tổ chức cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học. Từ góc độ quản lý, từ trước đến nay Bộ GD&ĐT luôn nghiêm cấm việc dạy trước cho học sinh trước khi vào lớp 1.
Có thể chúng tôi sẽ tiến tới giải pháp mạnh hơn là yêu cầu giáo viên lớp 1 tuyệt đối không được cho điểm học sinh trong suốt học kỳ I để phụ huynh không sốt ruột.
Vụ trưởng vụ GD Tiểu học
“Bao giờ trẻ vào lớp 1 cũng sẽ được tập trung trong một tuần trước khai giảng để làm quen với nề nếp học tập, vệ sinh học đường… Tuần lễ này cực kỳ quan trọng trong phát triển tâm lý của trẻ, tạo niềm vui, sự phấn khởi cho trẻ khi chuyển từ hoạt động chơi ở mầm non sang hoạt động học ở lớp 1”, ông Định nói.
Cũng theo ông Định, việc luyện chữ trước sẽ làm cho trẻ dễ chủ quan, ảo tưởng trong quá trình học, thái độ này ảnh hưởng tới không khí học tập chung trong lớp, tới tâm lý nhận thức của những trẻ khác.
Thực tế, nhiều cô giáo phản ánh, những cháu đi học trước có thể học tốt hơn bạn khác trong thời gian đầu nhưng sau đó sẽ đuối dần, kết quả học tập sẽ phụ thuộc vào sự nỗ lực hằng ngày của từng cháu mà không còn do cháu có đi học trước hay không.
Một tác hại được nhiều người nói tới khi cho trẻ học thêm là gặp phải người hướng dẫn không đạt chuẩn mực dạy trẻ lớp 1 khiến học sinh ngồi sai tư thế, cầm bút sai, sau này rất khó sửa.
Ông Định phân tích: “Kể cả khi trẻ được cô giáo lớp 1 dạy trước thì việc đi học đó là ép chín sớm, ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển tâm lý, hệ cơ, hệ thần kinh của trẻ em, thậm chí gây ra những khuyết tật về sau. Trong khoa học giáo dục thì trẻ phải phát triển đủ chín mới bước sang được giai đoạn khác. Cái quan trọng nhất với học sinh lớp 1 là các cháu thích đi học, đến trường thấy vui. Còn kết quả học tập thì đạt dần dần, không được nóng vội”.
Sẽ chấn chỉnh quyết liệt hơn
Về nguyên nhân của tình trạng phụ huynh cho con học trước lớp 1, ông Định thừa nhận có lỗi lớn của chính giáo viên trong ngành, hoặc không nhận thức được hết tác hại của việc dạy trước cho trẻ, hoặc cả nể trước nhu cầu của phụ huynh, chưa kể có những nguyên nhân tiêu cực (ép học thêm thu tiền).
Về những lo ngại của phụ huynh khi con phải học trong những lớp học quá đông (50 – 60 học sinh) , giáo viên không đảm bảo chất lượng học trên lớp, ông Định bày tỏ sự chia sẻ. Nhưng ông Định cho biết không thể tìm giải pháp khắc phục trong một sớm một chiều vì hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở thành phố lớn, những nơi không có quỹ đất để xây thêm phòng học.
Phóng viên Tiền Phong đề xuất, Bộ GD&ĐT nên chăng ban hành hướng dẫn trong đó yêu cầu nếu lớp học nào vượt sĩ số 35 HS/lớp tuỳ theo mức độ phải có giáo viên trợ giảng.
Ông Định cũng như lãnh đạo các Vụ chức năng khác có mặt tại cuộc trao đổi cho rằng đó là đề xuất hay, tuy nhiên Bộ GD&ĐT sẽ phải tham vấn ý kiến các địa phương để xem tính khả thi của yêu cầu.
Về các ý kiến phàn nàn giáo viên trong quá trình dạy học đã “chạy” theo những em được học trước khiến các em chưa học trước thiệt thòi, thậm chí bị điểm kém, ông Định chia sẻ ý tưởng sẽ tham mưu để lãnh đạo Bộ GD&ĐT có giải pháp phù hợp: “Để giảm áp lực điểm số với phụ huynh, hiện các trường tiểu học chỉ được sử dụng điểm kiểm tra cuối kỳ để đánh giá học lực. Nhưng có thể chúng tôi sẽ tiến tới giải pháp mạnh hơn là yêu cầu giáo viên lớp 1 tuyệt đối không được cho điểm học sinh trong suốt học kỳ I để phụ huynh không sốt ruột”.