Mẫu rau tại Trường mầm non Hoàng Liệt (Hà Nội) nhiễm thuốc BVTV:

Phụ huynh sốc nhận tin rau nhiễm thuốc BVTV trong trường học

TP - Nhiều phụ huynh sốc, hoang mang khi hay tin cơ quan chức năng phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong mẫu rau mùng tơi ở Trường mầm non Hoàng Liệt (Hoàng Mai) - Hà Nội.
Trường Mầm non Hoàng Liệt.

Ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, ngày 19/10, ông dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm đột xuất tại 8 trường học trên địa bàn. Bất ngờ phát hiện mẫu rau mùng tơi của Trường mầm non Hoàng Liệt (chưa được sử dụng) dương tính với thuốc bảo vệ thực vật.

Khi test nhanh bằng máy của xe chuyên dụng Chi cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội, mẫu cho kết quả dương tính. Còn mẫu rau nhiễm hóa chất gì, hàm lượng bao nhiêu thì chưa thể xác định được, ông Thái nói.

Cũng theo ông Thái, ngay lập tức, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản sự việc. Sau đó, Phòng Y tế và Phòng Kinh tế của quận đã đến địa điểm chuyên cung cấp thực phẩm cho trường để lấy mẫu thực phẩm kiểm tra.

Ngày 23/10, theo báo cáo kết quả truy xuất nguồn gốc rau mồng tơi cung cấp vào trường mầm non Hoàng Liệt ngày 19/10 của phòng Kinh tế, quận Hoàng Mai, sau khi mẫu rau mùng tơi cho kết quả dương tính, đơn vị đã kiểm tra hồ sơ năng lực nộp tại quận của Cty Cổ phần XNK nông sản Thực phẩm Việt Nam là đơn vị cung ứng thực phẩm cho trường này.

Cụ thể, Cty Cổ phần XNK nông sản Thực phẩm Việt Nam đã ký hợp đồng cung cấp rau, củ, quả với Cty Cổ phần Công nghệ cao An Sinh. Cty này có trụ sở và nhà sơ chế tại bãi Đồng Xuyên, Đặng Xá, Gia Lâm (Hà Nội).

Ngày 21/10, Phòng kinh tế phối hợp các lực lượng về kiểm tra phiếu nhập kho, mua hàng của Cty Cổ phần Công nghệ cao An Sinh tại bãi Đồng Xuyên, Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Qua xác minh, lô rau mùng tơi 57 kg được nhập vào ngày 19/10 là của một hộ gia đình nông dân thành viên nhóm nông dân sản xuất rau an toàn. Tổ đã lấy 3 mẫu rau mùng tơi tại ruộng rau của hộ nông dân để gửi đi xét nghiệm các chỉ tiêu cụ thể nhằm phát hiện lượng tồn dư hóa chất (nếu có).

Trường Mầm non Hoàng Liệt hiện có 1.000 trẻ trong độ tuổi từ 3 -5 tuổi đang theo học tại đây. Sau khi sự việc xảy ra, nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang, lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, phụ huynh có con học tại đây chia sẻ: “Mình đến nơi làm việc còn băn khoăn xem ăn chỗ nào ngon, chỗ nào đảm bảo trong khi con ở trường thầy cô cho gì, con ăn nấy. Khi biết, rau có thuốc trừ sâu mình thương con thắt ruột, bởi các con quá nhỏ bé. Nếu mỗi ngày các con ăn một lượng thuốc vào người thì sẽ ra sao?”.

Chị Tâm Anh, ở quận Hoàng Mai chia sẻ, ngay từ khi con đến trường, chị và gia đình rất muốn chuẩn bị suất ăn ở nhà cho con nhưng cô giáo không đồng ý. Theo chị Tâm Anh, phụ huynh bây giờ có nhiều cách để gia đình được ăn đồ sạch như tự trồng rau, nuôi gà, thả cá hoặc gửi mua được thực phẩm ở các vùng quê đảm bảo an toàn vì thế chị không yên tâm khi giao phó con cho nhà trường. Trong khi, trường học lại ký hợp đồng với một công ty bán thực phẩm mà bản thân họ không phải là đơn vị sản xuất. “Nếu chẳng may con bị ngộ độc hay thuốc trừ sâu ngấm vào người lâu ngày sinh bệnh thì gia đình và trẻ con phải chịu khổ chứ lúc đó kêu ai”, chị Tâm Anh nói.

Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng Phòng mầm non Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, bà mới biết vụ việc qua báo chí còn UBND quận đang phân công Phòng Kinh tế và Phòng Y tế kiểm tra, đánh giá sau đó mới có báo cáo cụ thể về Sở GD&ĐT và UBND thành phố Hà Nội.

Theo bà Hương, Quận có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá các đơn vị cung ứng thực phẩm cho các trường học trên địa bàn. Hiệu trưởng có trách nhiệm phân công người kiểm tra, kiểm soát đầu vào thực phẩm theo quy trình 3 bước và khi thực phẩm có vấn đề thi công ty cung ứng thực phẩm phải chịu trách nhiệm.

Sau khi sự việc xảy ra, PV liên hệ nhiều lần với Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Liệt là bà Nguyễn Thị Hồng Nga nhưng bà Nga không trả lời.

Ông Đặng Quý Thái, Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai kiểm tra thực phẩm tại trường.

Cả thành phố chỉ có 3 xe test nhanh thực phẩm

Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai thông tin, quận rất chú trọng việc đảm bảo vệ sinh an toàn cho khoảng 30.000 học sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ông Thái điều khó khăn là bình thường, khi đi kiểm tra thực phẩm tại các bếp ăn rất khó để phát hiện loại thực phẩm nào có tồn dư thuốc gì hay không.

Lần kiểm tra ngày 19/10, phát hiện ra mẫu rau tồn dư thuốc là vì quận đăng ký với Sở Y tế, Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội đề nghị được hỗ trợ xe chuyên dụng có máy móc xét nghiệm, test nhanh thực phẩm tại chỗ. “Tuy nhiên, cả thành phố chỉ có 3 cái xe chuyên dụng như vậy nên đơn vị đăng ký từ nhiều tuần trước mới đến lượt, còn những lần khác đoàn chỉ kiểm tra bằng cảm quan, rất khó để phát hiện ra”, ông Thái nói.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cũng khẳng định, đơn vị chỉ có 3 xe xét nghiệm lưu động test nhanh tại chỗ vì thế không phải đơn vị nào đi kiểm tra cũng có thể có phương tiện này. Theo ông Tụ, thông thường, các trường tiến hành kiểm tra thực phẩm theo quy trình 3 bước.

Cụ thể, bước một là kiểm tra nguồn nguyên liệu nhập vào như: kiểm tra, ghi các thông tin về ngày giờ nhập, tên nguyên liệu, số lượng, nguồn gốc thực phẩm có giấy tờ đi kèm. Đối với thực phẩm tươi sống như thịt phải có số, giấy kiểm dịch, vật liệu đựng. Trường học phải cử người nhìn cảm quan có tươi sống không, điều kiện bảo quản có tốt không. Ngoài ra, khi chế biến, trước khi ăn đều phải kiểm soát các khâu và tiến hành lưu mẫu 24 giờ.

Ông Tụ cho rằng, khi xét nghiệm mẫu cho kết quả dương tính, trước hết đơn vị phải tự hủy mẫu thực phẩm đó. Sau đó, cơ quan chức năng quyết định có tiến hành xét nghiệm, phân tích sâu mẫu thực phẩm mới cho ra kết quả cụ thể.

PGS TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, sau khi có test dương tính với mẫu thực phẩm, cần làm xét nghiệm chuyên sâu mới xác định được nồng độ, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật có vượt ngưỡng cho phép hay không. Nếu sản phẩm bị vượt ngưỡng cho phép thì mới có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.