Ông Bùi Đăng B (Phù Cừ, Hưng Yên) phản ánh đến đường dây nóng của báo Tiền Phong: “Gia đình tôi có 3 cháu học ở 3 cấp học. Theo thông báo của nhà trường, năm nay, nhà trường vẫn thu 90.000 đồng phí sổ liên lạc điện tử trên một học sinh. Chi phí đầu năm học cho các cháu rất nhiều nên tôi không tham gia dịch vụ sổ liên lạc điện tử”. Theo ông B, ở Hà Nội và nhiều trường đã bỏ sổ liên lạc điện tử, chuyển sang dùng các ứng dụng miễn phí để kết nối với phụ huynh, nên ông đề nghị các trường còn lại nên bỏ sổ liên lạc có thu phí và chuyển sang dùng phương tiện liên lạc qua các ứng dụng miễn phí… Ông B cho biết thêm, ông đã có ý kiến việc này với giáo viên chủ nhiệm và gửi thư đến Sở GD&ĐT Hưng Yên. Tuy nhiên, trên nhóm mạng xã hội của lớp, giáo viên trả lời rằng, nhà trường sẽ giữ nguyên quan điểm sử dụng sổ liên lạc điện tử, nếu các bậc cha mẹ học sinh không sử dụng, sẽ cắt liên lạc qua hình thức này.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Phù Cừ cho hay, sổ liên lạc điện tử được thực hiện tự nguyện, không ép buộc. “Tin nhắn trên sổ liên lạc điện tử gửi đồng thời nhưng riêng biệt đến từng phụ huynh học sinh. Còn sử dụng trên các nền tảng như trên nhóm của mạng xã hội chung thì cả lớp biết, nếu nhắn riêng sẽ mất thời gian. Tuy nhiên, hiện nay các nền tảng xã hội đang phát triển mạnh, Phòng GD&ĐT huyện Phù Cừ sẽ nghiên cứu thêm, cần có thời gian”, vị này nói.
Ông Đoàn Vân Phong, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết, việc triển khai sổ liên lạc điện tử do các nhà mạng làm việc với trường và đã triển khai nhiều năm. "Việc này không vi phạm quy định, phụ huynh tham gia trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc" - ông Phong nói.
Một giáo viên tiểu học (ở tỉnh Bắc Giang, xin giấu tên) chia sẻ, mấy năm trước, nhà trường có triển khai đồng thời cả sổ liên lạc điện tử và sổ liên lạc giấy khiến giáo viên rất vất vả. Hằng ngày, hàng tuần, giáo viên phải tổng hợp, đánh giá, nhận xét từng học sinh gửi phụ huynh. Đến giữa kỳ, cuối kỳ, hết năm, giáo viên vẫn phải nhận xét một lần nữa vào sổ liên lạc giấy. Tuy được hưởng % (trên số lượng học sinh tham gia sổ liên lạc điện tử), có thêm thu nhập nhưng quá vất vả nên giáo viên trong trường đã kiến nghị bỏ sổ liên lạc điện tử. Sau hai năm, hiệu trưởng nhà trường thấy rõ điều này và quyết định bỏ.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội ủng hộ quan điểm bỏ sổ liên lạc điện tử: “Nhiều trường ở Hà Nội đã bỏ sổ liên lạc điện tử và chuyển sang sử dụng các ứng dụng miễn phí. Các ứng dụng miễn phí là nền tảng phổ biến, thuận lợi. Khoa học tiến bộ thì chúng ta phải thay đổi, tiến bộ theo. Tại sao chúng ta không sử dụng công nghệ hiện đại để làm, mà lại sử dụng sổ liên lạc điện tử để phải trả tiền?”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.