Phong trào tố cáo lạm dụng tình dục lan sang Trung Quốc

TP - Kể từ hồi tháng 10 năm ngoái, sau khi các vụ việc ông trùm Hollywood Harvey Weinstein tấn công tình dục hàng chục diễn viên, bị phanh phui, làn sóng khuyến khích các nạn nhân tố cáo lan rộng khắp nước Mỹ và châu Âu thông qua phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy) trên mạng xã hội.
Sinh viên Đại học Phúc Đán, Thượng Hải đã thu thập được hơn 300 chữ ký trong vòng một tuần từ 7 đến 15/1 nhằm kêu gọi trường có hành động mạnh mẽ hơn nữa đối với nạn lạm dụng tình dục.

Gần đây, nhiều sinh viên Trung Quốc cũng sử dụng #MeToo để đấu tranh với nạn xâm hại tình dục phụ nữ. Tuần trước, các nhà hoạt động xã hội gửi đơn thỉnh cầu tới 50 trường đại học hàng đầu Trung Quốc kêu gọi cần hành động hơn nữa đối với nạn lạm dụng tình dục, phân biệt đối xử. Hai tuần trước, sinh viên và cựu sinh viên hàng chục trường đại học Trung Quốc phát động lấy chữ ký qua mạng để kêu gọi mọi người lên tiếng chống lại bạo lực tình dục trong gia đình, phân biệt giới tính nơi công sở và trường đại học. Tên phong trào này được phiên âm theo tiếng Trung là #Woyeshi.

Theo một cuộc khảo sát năm ngoái do Trung tâm Giáo dục giới tính ở thành phố Quảng Châu và công ty luật Bắc Kinh thực hiện, hơn 69% sinh viên đại học Trung Quốc từng bị quấy rối tình dục, nhưng chỉ có  khoảng 4% nạn nhân báo cáo vụ việc. Thông qua phong trào trực tuyến, mọi người đang bắt đầu tìm thấy tiếng nói của họ. Lạc Thiên Thiên, cựu sinh viên Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, nói rằng, cô và ít nhất năm cô gái khác bị một trong số giáo sư của họ quấy rối tình dục một vài năm. Tuần trước, trường đại học này sa thải giáo sư Trần Tiểu Vũ, vì có hành vi quấy rối tình dục sinh viên sau một cuộc điều tra từ những cáo buộc trên. Ngày 14/1, Bộ Giáo dục Trung Quốc tước danh hiệu Giảng viên ưu tú của ông Trần và sẽ xem xét việc thành lập một hệ thống phòng chống quấy rối tình dục lâu dài và có hiệu quả tại các trường đại học và cao đẳng.

Tuần trước, một lá thư kêu gọi được gửi đến Đại học Thanh Hoa, trong đó vạch ra sáu bước để chống lại quấy rối tình dục, bao gồm khởi động một ủy ban chống quấy rối tình dục, lập các kênh báo cáo và cải thiện giáo dục giới tính. Hoàng Nhất Chi, cựu sinh viên của trường, cho rằng, những câu chuyện quấy rối tình dục xuất hiện vẫn rất ít, bởi lẽ nhiều nạn nhân vẫn không cảm thấy an toàn khi ra ngoài và chia sẻ câu chuyện của họ. Giờ đây, khi đã là luật sư, đã bảo vệ  một trong những trường hợp phân biệt đối xử giới đầu tiên của Trung Quốc, Hoàng nói rằng, các trường đại học nên là cơ sở để phụ nữ trên toàn quốc lên tiếng chống lại lạm dụng tình dục.

Đến nay ở Trung Quốc có khoảng 30-50 chiến dịch kêu gọi hành động hơn nữa để chống nạn lạm dụng tình dục trong nhà trường.

Theo Theo SCMP, Mail Online