Đòi hỏi cao vai trò dẫn dắt của cán bộ Đoàn
Ông được biết đến là người khởi xướng phong trào Công trường thanh niên cộng sản (TNCS) xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Đây là một dấu son của phong trào thanh niên trong thời kỳ mới. Theo ông, làm thế nào để hiệu triệu thanh niên ngày đêm chung tay xây dựng công trình thế kỷ đó?
Thời điểm đó, công trình Thủy điện Hòa Bình là công trình trọng điểm quốc gia có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Công trình được xây dựng trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn, gian khổ; sự bao vây, cấm vận từ bên ngoài. Trong điều kiện như vậy, thanh niên trên mọi miền đất nước đã xung kích tổ chức nhiều phong trào để khôi phục, phát triển kinh tế đất nước.
Điều cần thiết lúc này là, phong trào thanh niên phải có một “quả đấm thép” để tạo được sức hiệu triệu lớn lao. Lúc đó, Ban Bí thư T.Ư Đoàn quyết định đề nghị Chính phủ đặt tên công trường thủy điện Hòa Bình là: “Công trường TNCS xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà”. Việc này tạo vị thế cho Đoàn thanh niên để đóng vai trò rất quan trọng trong cơ chế quản lý ở cấp cao nhất.
Chính vì thế, công trường thủy điện Hòa Bình đã hiệu triệu lớp lớp thanh niên lao động, sáng tạo. Thanh niên cả nước góp công, góp của, tổ chức phong trào văn hóa văn nghệ, sáng tác bài hát về sông Đà phát triển rầm rộ. Sự huy động tổng lực ấy đã giúp công trình kịp tiến độ, tránh thiên tai, phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công trường TNCS xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã tạo ra một phong trào thi đua lao động sôi nổi, lan tỏa khắp đất nước, tác động đến các phong trào khác trong cả nước.
Có ý kiến cho rằng việc đoàn kết, tập hợp thanh niên ngày nay khó hơn xưa, thanh niên không mặn mà với tổ chức Đoàn. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Tôi thấy, người ta hay so sánh thanh niên thời nay với thời xưa về trình độ, lý tưởng. Sự so sánh đó là điều cần thiết nhưng nếu so sánh không khách quan thì đưa ra nhìn nhận bị khập khiễng. Riêng tôi, tôi thấy giới trẻ ngày nay là những người có tri thức, trí tuệ, được học hành bài bản; tầm hiểu biết rộng, giao lưu, hội nhập quốc tế. Chính vì điều đó mà thanh niên ngày nay là những người yêu tha thiết tự do, muốn là người làm chủ, khẳng định bản thân, không thích sự áp đặt.
Về lý tưởng, thanh niên thời nào cũng có lòng yêu quê hương đất nước, tự hào về lịch sử dân tộc mình. Thanh niên ngày nay cũng vậy, tình yêu đó ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, khi có điều kiện lại bùng lên.
Chính vì những đặc điểm của thanh niên như vậy đòi hỏi vai trò dẫn dắt của cán bộ Đoàn rất cao. Ngày xưa, người cán bộ Đoàn trình độ học vấn chưa hẳn là cao, nhưng cái lớn lao hơn cả là tấm lòng nhiệt huyết, là sự xả thân vì quê hương, Tổ quốc. Họ xứng đáng là thủ lĩnh thanh niên và được mọi người mến mộ và cùng nhau tạo ra những phong trào cách mạng thiết thực, hiệu quả. Nhưng ngày nay, đòi hỏi người cán bộ Đoàn phải là những người có tâm, tài toàn diện, là tấm gương mẫu mực trong đạo đức và lối sống, có trình độ cao, tư duy tốt. Họ phải biết gần gũi chia sẻ với mọi người, làm việc thiết thực và có hiệu quả, “nói đi đôi với làm”, tránh bệnh hình thức.
Cán bộ Đoàn cần đủ tâm và tầm
Theo ông, người cán bộ Đoàn phải chuyển mình như thế nào để dẫn dắt được thanh niên?
Khi nhận định thanh niên ngày nay như thế nào thì đừng trách họ vội mà hãy hỏi ta. Hỏi ta ở đây không chỉ mỗi cán bộ Đoàn mà cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem đã làm tốt vai trò của mình chưa, đã xứng đáng với lòng tin, sự kỳ vọng của thanh niên chưa? Theo tôi, một số cán bộ Đoàn hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu ấy. Không ít cán bộ Đoàn với động cơ không trong sáng, trình độ hạn chế, không được đào tạo bài bản, sự phấn đấu vươn lên không cao. Chính vì thế, đội ngũ thanh niên có trình độ họ không phục những cán bộ Đoàn như thế.
Thế hệ cán bộ thời xưa hy sinh rất lớn, gần như không tính đến lợi ích cá nhân. Nhưng giờ khác, làm gì họ cũng tính đến lợi ích cá nhân. Với thực tế cuộc sống hiện nay, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng, phải nghĩ tới mình trước nhưng ở mức nào là hợp lý, vẫn cần sự hy sinh, nhường nhịn. Hiện nay, sự hy sinh, nhường nhịn hiếm lắm!
Theo tôi để có được những cán bộ Đoàn đáp ứng được yêu cầu của thanh niên trong thời kỳ mới, chúng ta cần tìm ở hai nguồn: Những cán bộ Đoàn đi lên từ phong trào, họ tự rèn luyện và trưởng thành trong thực tiễn. Nguồn thứ hai là những sinh viên được đào tạo bài bản từ Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và được đưa về cơ sở để tắm mình trong thực tiễn cuộc sống. Những con người này phải phấn đấu vươn lên để hội tụ đủ yếu tố năng lực, phẩm chất, đạo đức. Điều quan trọng là họ phải được sự mến mộ, suy tôn của thanh niên ở chính nơi mình công tác. Một yếu tố vô cùng quan trọng là các cấp bộ Đoàn cần tạo điều kiện cho họ được học tập nâng cao trình độ chính trị, kỹ năng hội nhập quốc tế.
Nếu là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn trong giai đoạn hiện nay, ông sẽ ưu tiên quan tâm giải quyết những vấn đề nào nhất?
Đầu tiên là phải nắm được tâm tư, nguyện vọng, khát vọng của thanh niên ngày nay, xem họ đang cần gì, thiếu gì và mong muốn ra làm sao. Từ việc nắm bắt chuẩn xác nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, Đoàn mới có được những đề xuất, tổ chức được những chương trình hành động thiết thực, tạo ra sự lan tỏa.
Thứ hai là huy động sức mạnh tổng hợp của các bộ ban ngành, các cấp chính quyền cùng chung tay với Đoàn trong việc giáo dục, rèn luyện và phát huy sức mạnh thanh niên. Bởi nếu một mình Đoàn không thể làm tốt được. Người thủ lĩnh thanh niên phải biết khai thác, sử dụng các công cụ quan trọng như Luật Thanh niên. Bí thư thứ nhất của Đoàn đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về thanh niên là một thuận lợi cơ bản.
Thứ ba là tận dụng khai thác lớp cán bộ Đoàn đi trước. Họ là những người có rất nhiều kinh nghiệm và tâm huyết.
Thứ tư là tạo được phương thức hoạt động hấp dẫn thanh niên. Phong trào thanh niên cần tạo được các “quả đấm thép” mang tính dẫn dắt và phải đạt hiệu quả xã hội cao. Trước đây trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chúng ta có phong trào “Ba sẵn sàng”, phong trào “Năm xung phong”. Từ khi thống nhất đất nước, chúng ta có nhiều phong trào để thu hút thanh niên, trong đó quả đấm thép công trường thanh niên xây dựng thủy điện Hòa Bình là một điển hình. Ngày nay, tình hình mới đòi hỏi Đoàn ta phải nghiên cứu rất công phu, mang tính khoa học để tạo ra được những phong trào mới phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của thanh niên.
Thứ năm, coi trọng vai trò làm chủ đất nước. Cán bộ Đoàn không thụ động chờ “bảo gì làm nấy” mà chủ động xây dựng nhà nước pháp quyền.
Xin cám ơn ông.
Thế hệ cán bộ thời xưa hy sinh rất lớn, gần như không tính đến lợi ích cá nhân. Nhưng giờ khác, làm gì họ cũng tính đến lợi ích cá nhân. Với thực tế cuộc sống hiện nay, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng, phải nghĩ tới mình trước nhưng ở mức nào là hợp lý, vẫn cần sự hy sinh, nhường nhịn. Hiện nay, sự hy sinh, nhường nhịn hiếm lắm!
Cựu Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Mão