Phó Thủ tướng: Chọn các dự án quan trọng, cấp bách cho ĐBSCL

TPO - Chiều 3/1, Phó Thủ tướng Lê Thành Long - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - chủ trì hội nghị trực tuyến lần thứ 5 của Hội đồng điều phối.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) năm 2024 của vùng ĐBSCL đạt 7,3%, cao hơn bình quân cả nước (khoảng 7%), đứng thứ 4/6 vùng kinh tế. Một số địa phương có mức tăng trưởng khá, Trà Vinh cao nhất với mức tăng 10%. Nhiều dự án, công trình trọng điểm trong vùng được triển khai, các tuyến đường trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ.

Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Chính phủ. Ảnh: Đức Tuân.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kinh tế - xã hội ĐBSCL còn nhiều khó khăn, hạn chế. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, chỉ chiếm 12% tỷ trọng của cả nước; 12/13 địa phương trong vùng chưa tự cân đối thu chi ngân sách. Biến đổi khí hậu, tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt là những vấn đề “nóng” ở ĐBSCL.

Trong đó, 3 yếu tố đang tác động mạnh tới ĐBSCL là phát triển ở thượng nguồn sông Mekong; biến đổi khí hậu - nước biển dâng; lún sụt, hạ thấp lòng dẫn. Hệ quả làm gia tăng xâm nhập mặn, xói lở, thiếu nước ngọt, ngập úng, khó tiêu thoát nước.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, từ khi thành lập (năm 2020) đến nay, Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL đã đi đúng hướng trong việc khắc phục những khó khăn và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tất cả 13 tỉnh/thành trong vùng đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh; 5/13 địa phương đã được phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

Các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện liên kết, kết nối. Nhiều dự án trọng điểm trong vùng đang được tích cực triển khai và khẩn trương hoàn thành, phấn đấu có 600 km cao tốc tại ĐBSCL vào năm 2025.

Bên cạnh các kết quả tích cực, Phó Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Tăng trưởng một số địa phương còn chậm; sự gắn kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ; chưa khai thác tối ưu các chuỗi liên kết trong nông nghiệp; sản xuất quy mô còn nhỏ. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông còn thiếu tính kết nối. Cải cách thủ tục hành chính còn chậm. Biến đổi khí hậu đang tác động sâu sắc. Nguồn tài nguyên cho vật liệu xây dựng còn khó khăn trong bối cảnh ngày càng có nhiều dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn...

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Tuân.

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long lưu ý, năm 2025 các tỉnh thành phải tập trung thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ: Phấn đấu tăng trưởng cao; tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy. Phải ý thức rõ để có nhiệm vụ, giải pháp khả thi và đặc biệt là có quyết tâm cao để thực hiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phát triển trung tâm đầu mối tổng hợp tại Cần Thơ; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu chủ lực, tập trung đảm bảo phục vụ lâu dài, bền vững cho các cơ sở chế biến nông nghiệp, thủy sản.

Phó Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách theo các nghị quyết của Bộ Chính trị và quy hoạch vùng để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030. Trong đó dành nguồn vốn phù hợp để làm công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2025.