Ngày 5/9, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL về việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm của vùng.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại khu vực ĐBSCL gồm 4 dự án (Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh) với tổng chiều dài là 355 km, tổng mức đầu tư gần 83.000 tỷ đồng.
Tổng nhu cầu đá các loại khoảng 6,6 triệu m3, đất đắp khoảng 4,7 triệu m3, cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3. Đối với vật liệu đá, đất tại các mỏ đang khai thác trong khu vực đã cơ bản đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu theo tiến độ các dự án.
Toàn bộ các dự án khu vực ĐBSCL đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường rất mất thời gian, vì vậy tiến độ các dự án phụ thuộc rất lớn vào tiến độ bàn giao mặt bằng và đặc biệt là vật liệu cát đắp.
Mặc dù trữ lượng cát đắp nền đủ đáp ứng nhu cầu cho các dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT làm việc với các địa phương và có các văn bản hướng dẫn nhưng việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ.
Công tác phối hợp giữa các địa phương (An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ) trong việc triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác phục vụ dự án thành phần 2 và 3 thuộc Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng còn chậm.
Tỉnh An Giang đã có chủ trương thống nhất hỗ trợ 2 khu mỏ cho các tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ để khai thác phục vụ các dự án. Tuy nhiên, đối với mỏ Nhánh cù Lao Tây là mỏ nạo vét, tận thu không phải mỏ khoáng sản nằm trong quy hoạch nên địa phương chưa thể triển khai các thủ tục.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết, hiện nay địa phương đang gặp khó khăn vướng mắc về cơ chế giao mỏ cho nhà thầu.
“Tôi đề nghị giữa nhà thầu thi công và tỉnh phải ngồi lại để tính toán, cần thiết thống nhất giới thiệu những doanh nghiệp khai thác có kinh nghiệm để làm sao đảm bảo việc khai thác này không ảnh hưởng đến môi trường, gây sạt lở”, ông Bình nói và cho biết, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua đoạn của An Giang cần 9,3 triệu m3. An Giang đảm bảo cung ứng thành phần 1 nhưng hiện nay vướng là vừa qua tỉnh đã thu hồi 6 mỏ cát trữ lượng khoảng 4,5 triệu m3) theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Hiện An Giang đã có tờ trình gửi Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn để địa phương cấp lại 6 mỏ cát này để phục vụ cho các tuyến cao tốc trọng điểm.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các sở: TN&MT, Xây dựng, GTVT phải làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho lãnh đạo địa phương khi vận dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép, gia hạn, nâng công suất khai thác mỏ, trong đó có những mỏ đã hết hạn nhưng trữ lượng vẫn còn hoặc quy hoạch mỏ đã hết hạn.
"Trữ lượng các mỏ không thiếu nhưng các địa phương, nhà thầu đang thiếu sự phối hợp, chưa hiểu cặn kẽ, đầy đủ quy định pháp lý, chưa đủ năng lực đánh giá tác động môi trường đối với những mỏ lớn để đưa ra phương án khai thác phù hợp, bảo vệ môi trường, chống sạt lở", Phó Thủ tướng nói yêu cầu Bộ GTVT, các nhà thầu phải rà soát lại tiến độ các dự án cao tốc để phối hợp với Bộ TN&MT, các địa phương để điều phối hiệu quả hoạt động cung cấp vật liệu; thành lập tổ công tác kỹ thuật với sự tham gia của lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ TN&MT, các địa phương để giải quyết những vấn đề vướng mắc pháp lý, thực hiện điều tra, khảo sát những mỏ cát mới, khu vực có tiềm năng để đưa vào quy hoạch.