Cơ hội lịch sử thu hút vốn FDI
Sáng nay (19/9), trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”.
Tại cuộc bàn tròn này, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nói, VCCI đã nhận được rất nhiều kiến nghị, tuy nhiên quan trọng nhất là việc gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt thị trường tín dụng, trái phiếu…
Theo ông Công, cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng, tiếp cận với các thị trường quốc tế, khai thác các hiệp định thương mại đã được ký kết, khai thông các nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển.
Mặc dù chủ đề thảo liên quan đến năng lực nội sinh, tuy nhiên, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh cần phát huy được sức mạnh ngoại sinh, tranh thủ cơ hội tình hình thế giới để thu hút nguồn lực FDI. “Đây là cơ hội lịch sử khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ”, ông Công nói.
Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, Việt Nam có thế và lực mới, có khát vọng phát triển, cần tiếp cận nguồn lực để nắm bắt nguồn vốn, kiến tạo cho mình thế đứng mới, vị trí mới để tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển doanh nghiệp bản địa.
“Không phải doanh nghiệp muốn “chậm lớn” mà nhiều doanh nghiệp chân chính đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc, nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững” - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên - nói.
Trong khi đó, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - chia sẻ về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến hết năm và đầu năm 2024. Ông khẳng định, chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua. Việc điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trên thế giới đã ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, nhất là sau 2 năm đại dịch COVID-19 và tình hình sản xuất của thế giới.
Trong bối cảnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua của Việt Nam rất linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, thực hiện các mục tiêu Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt là có sự phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo sự cạnh tranh cũng như đảm bảo sự phấn đấu của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) và các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Về vấn đề lãi suất, ông Đào Minh Tú nhận thấy điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành kinh tế của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ.
Ông Tú dẫn chứng nước Mỹ đã 11 lần điều chỉnh tăng và đang duy trì lãi suất ở mức 5,5%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Trong khi lãi suất cả thế giới tăng, thì Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất, đồng thời tạo dư địa, thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế, đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để tạo dư địa cho các NHTM có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp.
Giảm thuế phí, tăng chi kích cầu
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, hạn mức tăng trưởng tín dụng chính là công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Năm 2023, NHNN đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng, tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp.
Ông Đào Minh tú khẳng định, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như vậy. Do đó, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, điều hành chặt chẽ, hợp lý. “Đây cũng là thành công của NHNN trong điều hành thời gian qua để giữ tỷ giá và lãi suất, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát”, ông Tú nói.
Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, thời gian qua trước những khó khăn do đại dịch và những biến động kinh tế, tài chính của thế giới và khu vực, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, chúng ta đã thực hiện được nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt.
Theo ông Hưng, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí cũng như các loại thu ngân sách nhà nước; thực hiện cải cách hành chính, triển khai hóa đơn điện tử trong một số lĩnh vực. Riêng về thuế phí, đến nay đã miễn giảm 120.000 tỷ trong tổng số dự kiến 200.000 tỷ năm 2023. Cùng với đó là việc tăng chi kích cầu, cải cách tiền lương khu vực công, trợ cấp người có công cũng gần 80.000 tỷ đồng...
Các giải pháp hỗ trợ vừa qua góp phần giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn; giữ ổn định cho nền kinh tế. “Kết quả là kinh tế của Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới”, ông Hưng nói.