Phòng vé Việt cuối năm chứng kiến cuộc đấu trực tiếp của hai tác phẩm có phong cách hoàn toàn khác nhau: phim hành động Thanh Sói: Cúc dại trong đêm (đạo diễn Ngô Thanh Vân) và phim Đảo độc đắc: Tử mẫu Thiên linh cái (đạo diễn Lê Bình Giang).
Cải hai dự án đều được đầu tư mạnh, do ê-kíp tên tuổi thực hiện, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng. Song, nội dung các tác phẩm lại không sâu sắc, thông điệp hời hợt. Thậm chí trong phim, có nhiều cảnh nhân vật rượt đuổi, đâm chém nhau một cách vô nghĩa.
Chưa kể, vì có quá nhiều cảnh bạo lực, máu me nên cả hai phim này đều dán nhãn C18 (hạn chế khán giả dưới 18 tuổi) khi chiếu rạp.
Nội dung tăm tối
Chuyện phim Thanh Sói xoay quanh tuổi trẻ và cuộc đời nữ nhân vật chính cùng tên. Trong Hai Phượng, đây vốn chỉ là một vai phản diện với đất diễn ít ỏi. Nhờ có tạo hình lạ và gây được sự chú ý, ê-kíp Ngô Thanh Vân quyết định xây dựng và phát triển phần phim riêng cho nhân vật. Do đó, có thể xem Thanh Sói là một tác phẩm ăn theo để hút khách.
Cách ê-kíp xây dựng và phát triển nhân vật còn khiên cưỡng, nặng tính sắp đặt. Lớn lên không cha, Thanh Sói (Đồng Ánh Quỳnh) sống cùng mẹ là gái làng chơi, trên một chiếc ghe chật chội, rách nát.
Ngay từ những cảnh quay đầu tiên, các nhà làm phim đã bi kịch hóa số phận nhân vật. Cô bị khách hàng của mẹ cưỡng bức ngay từ nhỏ, sau đó vô tình giết người trong cơn hoảng loạn. Nhân vật bỏ quê hương lên Sài Gòn sinh sống như bụi đời, hàng ngày ăn cắp vặt để kiếm cái ăn cái mặc.
Trong phim, bối cảnh Sài Gòn cuối thập niên 1990 được phục dựng quá đà, xa rời thực tế. Đó là nơi các thế lực ngầm tranh giành địa bàn, trộm cắp và hiếp dâm diễn ra bất kỳ lúc nào. Giới giang hồ thì không ngại bất kỳ thủ đoạn, sẵn sàng phạm tội để có được quyền lực, tiền bạc.
Câu chuyện trong Đảo độc đắc cũng không xuất sắc hơn. Bộ phim nối tiếp những sự kiện Thiên linh cái - Thất Sơn tâm linh (2019), xoay quanh loại bùa ngải cùng tên. Kịch bản bắt đầu khi một nhóm bạn lên đảo hoang và dần phát hiện những sự kiện kỳ lạ.
Phần lớn thời lượng phim không phát triển nguồn gốc bùa chú. Trái lại, ê-kíp chỉ tập trung vào những cuộc ẩu đả, tranh cãi giữa các nhân vật. Thậm chí có người còn thẳng thừng muốn giết bạn mình chỉ để trục lợi. Ngay cả khi phim kết thúc, nhiều khán giả vẫn chưa hiểu rõ thông điệp mà đạo diễn muốn gửi gắm là gì.
Nhiều cảnh quay quá bạo lực
Với tư cách là phim hành động, phần lớn thời lượng Thanh Sói tập trung vào các cảnh đánh đấm, rượt đuổi giữa các băng nhóm giang hồ. Trong phim, các nhân vật dùng dao, kiếm, mã tấu... đâm chém nhau một cách tàn bạo chỉ để đạt được mục đích cá nhân.
Thậm chí, nhóm Thanh Sói còn chủ động luyện võ, tập sử dụng vũ khí và lên kế hoạch, chờ ngày thanh trừng một băng nhóm khác. Chính vì vậy, nhiều phân đoạn trong phim có thể khiến người xem nhạy cảm bị sốc.
Còn nhớ 9 năm trước, phim hành động Bụi đời chợ lớn từng gây tranh cãi về mức độ bạo lực. Theo ý kiến từ phía Cục điện ảnh, phim có nhiều cảnh mang tính chất rùng rợn, không phù hợp khán giả đại chúng. Kết quả, dự án bị cấm chiếu vì không thể vượt qua khâu kiểm duyệt khắt khe. Song, cơ bản thì Thanh Sói cũng không khác gì Bụi đời chợ lớn khi nội dung xoay quanh cuộc ẩu đả của các băng nhóm giang hồ.
Tương tự, Đảo độc đắc cũng không kém cạnh về độ bạo lực. Khi mâu thuẫn nổ ra, biên kịch để cho các nhân vật ẩu đả, xô xát, thậm chí sẵn sàng giết nhau ngay tại hoang đảo.
Đến cuối phim, khi chân tướng kẻ luyện bùa ngải thiên linh cái xuất hiện, độ bạo lực và đen tối của phim còn tăng lên gấp bội. Điển hình là cảnh một nhân vật dùng dao cắt đầu một người khác để dùng làm vật hiến tế.
Ngoài ra, hai phim này còn có điểm chung là phần lớn được quay vào ban đêm. Tuy nhiên, một số cảnh quay được thiết lập ánh sáng chưa tốt nên khung hình bị thiếu sáng, người xem khó nhìn rõ khuôn mặt và biểu cảm diễn viên. Điều này càng làm tăng thêm sự u tối, mờ mịt của phim.
Phát hành cùng thời điểm với Thanh Sói và Đảo độc đắc là Avatar: The Way of Water. Mặt dù so sánh có phần khiên cưỡng nhưng khoảng cách giữa phim Việt và phim Hollywood quả là “một trời một vực”.
Xét về mặt hình ảnh, bom tấn của James Cameron mang đến cho khán giả những khung hình đẹp, chi tiết và sống động. Các cảnh bạo lực được gia giảm hợp lý để phim dán nhãn PG-13 (hạn chế người dưới 13 tuổi). Thông điệp phản chiến, bảo vệ môi trường và đề cao hòa bình trong phim cũng nổi bật, sâu sắc.
Hai dự án Việt thì lại mang đến cảm giác hoàn toàn khác. Yếu tố bạo lực không làm cho các tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Ngược lại, chúng làm giảm giá trị và càng khiến khán giả có cái nhìn tiêu cực về phim.