Phim cổ trang: Đã đến thời hết ‘khát’?

TP - Khi các thể loại phim hài, tình cảm lãng mạn, hành động hay phim mua lại bản quyền nước ngoài đang dần trở nên bão hoà thì phim cổ trang Việt lại trở thành địa hạt hấp dẫn các nhà làm phim trong nước. Nhìn vào danh sách một loạt phim cổ trang dự kiến ra mắt vào năm 2020, khiến không ít người khấp khởi hy vọng phải chăng đã đến lúc Việt Nam có những tác phẩm cổ trang xuất sắc như Trung Quốc, Hàn Quốc…
Phim cổ trang “Khát vọng Thăng Long” được giới chuyên môn đánh giá tốt nhưng lại thất bại phòng vé

Ồ ạt làm phim cổ trang

Trong danh sách các bộ phim dự kiến ra rạp năm 2020, có 3 phim cổ trang đang nhận được nhiều kỳ vọng của công chúng. Sau “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, Ngô Thanh Vân tiếp tục trở thành nhà sản xuất cho “Trạng Tí”, được chuyển thể dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng của Việt Nam “Thần đồng đất Việt” với sự tham gia của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Phim dự kiến lên sóng vào đầu tháng 5/2020. Mới đây, êkip đã tung ra đoạn giới thiệu đầu tiên với nhân vật chính toàn là trẻ con.

Cuối năm 2019, cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ được chuyển thể lên màn ảnh rộng. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền cũng đã lên tiếng xác nhận dự án “Kiều”. Hiện, êkip đã tuyển xong diễn viên và đang gấp rút hoàn thiện quá trình khảo sát địa điểm để chính thức bấm máy vào tháng 4 và dự kiến ra rạp vào cuối năm nay.

Tháng 10/2019, Trương Ngọc Ánh và ekip cũng chính thức hé lộ dự án “Trưng Vương”, với hình bích hoạ tượng trưng cho hai vị nữ vương nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Khác với 2 phim phía trên, được chuyển thể từ những tác phẩm văn học, “Trưng Vương” nói về những nhân vật có thật trong lịch sử, lên ngôi vào khoảng những năm 40 sau công nguyên. Khoảng cách lịch sử rất xa, tư liệu không nhiều nên chuyện phục chế bối cảnh, nhân vật, dựng phim cho tác phẩm lại càng khó khăn gấp bội.

Năm nay sẽ là một năm bận rộn với Trương Ngọc Ánh, bởi ngoài “Trưng Vương”, cô còn kết hợp với đạo diễn Victor Vũ để làm phim “Sơn Tinh Thủy Tinh: Chuyện chưa kể”, vốn xuất phát từ câu chuyện cổ tích không còn xa lạ với người Việt. Phim dự đoán sẽ hấp dẫn cả người lớn lẫn trẻ em bởi còn khai thác câu chuyện tình yêu giữa con gái vua Hùng và hai vị thần trẻ tuổi.

Ngô Thanh Vân trực tiếp chỉ đạo diễn xuất trong phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”

Cũng là một dự án cổ trang với đề tài cung đấu, hứa hẹn đình đám trong năm nay, nhưng “Phượng khấu” không chọn cách ra rạp, mà phát hành độc quyền trên ứng dụng giải trí trực tuyến. Những người làm phim cho biết mục tiêu là kiếm tiền để làm “Phượng khấu” chứ không phải làm “Phượng khấu” để kiếm tiền. Hơn nữa, nếu làm phim điện ảnh, sẽ bị gò bó trong 90 phút, còn với phim nhiều tập, thời gian thoải mái và độ lan tỏa rộng hơn. Phim chia làm 16 tập, mỗi tập “ngốn” 2 tỷ đồng, nhưng êkip đã tìm được nhà đầu tư nên không quá khó khăn.

Đường rộng nhưng nhiều “chông”

Năm 2010, “Khát vọng Thăng Long” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh trở thành bộ phim cổ trang chiếu rạp đầu tiên ở Việt Nam. Phim được giới chuyên môn đánh giá khá tốt, tuy nhiên, lại thất bại thảm hại ở phòng vé do suất chiếu ít, không có hiệu ứng truyền thông, kinh phí bỏ ra quá cao…

“Thiên mệnh anh hùng” của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ ra mắt đúng dịp Tết năm 2012. Do nội dung xa rời với văn hoá Á Đông và tâm lý nhân vật hời hợt nên phim chỉ thu về hơn 16 tỷ đồng, so với kinh phí đầu tư 25 tỷ.

Năm 2013, công chúng ào đến rạp để xem “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, bộ phim võ hiệp cổ trang quy tụ dàn diễn viên chân dài như Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Diễm My, Ngọc Quyên… Nhờ hiệu ứng PR tốt, phim đạt doanh thu phòng vé cao ngất ngưởng với 57 tỷ đồng. Thành công về mặt giải trí nhưng “Mỹ nhân kế” bị phàn nàn là nội dung đơn giản, rời rạc, tính cách nhân vật thiếu chiều sâu.

Ngô Thanh Vân được kỳ vọng rất nhiều khi làm “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”. Phim được quảng bá rầm rộ, nội dung được hứa hẹn hấp dẫn khi khai thác từ câu chuyện cổ tích, vốn đã quá quen với người Việt, theo một cách mới. Dàn diễn viên trai xinh gái đẹp, hình ảnh, trang phục đẹp mắt, kèm theo ồn ào xung quanh việc Vân Ngô tố bị CGV chèn ép, khiến bộ phim luôn “nóng” trên mặt báo. Phim đạt doanh thu “khủng” 66 tỷ đồng nhưng bị “ném đá” là “không như quảng cáo”, không đặc sắc, diễn xuất không đồng đều.

Dịp Tết năm 2019, hai bộ phim cổ trang “Trạng Quỳnh” và “3D Cung Tâm Kế” ra rạp cùng lúc. Khai thác mảng cung đấu, vốn là chủ đề luôn “hot” nhưng “3D Cung Tâm Kế” nhanh chóng trở thành thảm hoạ điện ảnh cổ trang, gây thất vọng toàn tập bởi nội dung hời hợt, bối cảnh sơ sài, trang phục lòe loẹt. Dù phim sở hữu các cây hài hàng đầu hiện nay như Hồng Vân, Minh Nhí, Thúy Nga, Lê Lộc… nhưng vẫn không cứu nổi doanh thu bèo bọt 500 triệu đồng, theo số liệu thống kê của Box Office Vietnam.

Ngược lại, “Trạng Quỳnh” của đạo diễn Đức Thịnh lại đại thắng phòng vé với doanh thu hơn 100 tỷ. Tuy nhiên, trên các diễn đàn, bộ phim này nhận rất nhiều lời chê bai như cốt truyện yếu, ngôn ngữ mang quá nhiều tính hiện đại, thiếu khắc họa sự thông minh của Trạng Quỳnh...

Còn một số bộ phim cổ trang nữa nhưng đều chung cảnh ngộ: doanh thu cao thì bị chê chất lượng, chất lượng ổn thì thất thu phòng vé. Suốt 10 năm qua, dân tình vẫn chưa được thưởng thức một “siêu phẩm” cổ trang Việt thực sự chất lượng, đáng tự hào.

Nói đi cũng phải nói lại, chả tự dưng các đạo diễn lại “khớp” với dòng phim này. Ngôn ngữ thoại phức tạp hơn phim hiện đại. Đầu tư bối cảnh, trang phục, tạo hình nhân vật… cũng tốn kém hơn rất nhiều. Đến nỗi, Ngô Thanh Vân từng phải than thở “nếu chỉ có 20 tỷ đồng, sẽ rất khó để làm phim cổ trang”. Còn đạo diễn Dustin Nguyễn (đạo diễn phim “Lửa Phật”) thì giãi bày “kinh phí của phim không đủ nên không thể thực hiện những cảnh vĩ đại của chiến binh chống giặc ngoại xâm”, khi bộ phim của anh bị đánh giá “không có nổi cảnh binh đao khói lửa nào nên hồn”.

Ngoài kinh phí, các đoàn làm phim cổ trang còn phải chịu áp lực trước sự săm soi của công chúng khi bị so sánh với phim Tàu, với nguyên tác văn học, lịch sử… Đạo diễn Victor Vũ- người được mệnh danh là “ông vua phòng vé”, khi tiến vào lãnh địa phim cổ trang cũng phải thừa nhận: “Phim cổ trang, kiếm hiệp Việt Nam từ trước tới nay vẫn hay bị đem ra so sánh và coi là giống Trung Quốc. Vượt qua những áp lực, đồn đoán về việc “Kiều” sẽ “bám” nguyên tác văn học đến mức nào, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Mai Thu Huyền thẳng thắn tuyên bố: “Chúng tôi tôn trọng mọi cột mốc trong cuộc đời của Kiều nhưng phải sáng tạo, bởi nếu không, thà khán giả mở truyện ra đọc cho xong”.

Nhiều thách thức, nhưng nói như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Hiện tại, dòng phim cổ trang Việt Nam đang yếu nhất mà chúng ta cứ né tránh hoài thì chẳng bao giờ mạnh được”. Bởi vậy, sự “liều mình” của các nhà làm phim trong năm 2020 được cho là tia sáng đầy hy vọng cho dòng phim “khó nhằn” này.